Bộ trưởng Tô Lâm: Tín dụng đen không còn manh động, công khai như trước
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2018 đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan tín dụng đen, 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê...
- 03-06-2019NHNN chính thức "ra tay" đẩy lùi tín dụng đen
- 29-05-2019Tín dụng đen lãi suất 700% len lỏi đến mọi miền
- 22-05-2019Khách hàng "choáng" vì lãi suất thẻ tín dụng quá hạn như tín dụng đen, HSBC nói gì?
Hôm nay ngày 4/6, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV bước vào phiên chất vấn đầu tiên trong chuỗi 2 ngày rưỡi chất vấn các bộ trưởng. Có 4 bộ trưởng bao gồm Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là người đầu tiên đăng đàn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đầu giờ sáng đã có 49 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về các nội dung như trách nhiệm của cán bộ cơ sở để xảy ra các vụ án mạng nghiêm trọng ở địa phương và giải pháp của Bộ; giải pháp triệt phá các băng nhóm tín dụng đen; trách nhiệm, giải pháp triệt phá các đường dây ma túy; giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; nguyên nhân, giải pháp xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm xâm hại tình dục, hiếp dâm; ngăn ngừa tình trạng uống rượu bia lái xe; hướng xử lý, ngăn chặn đối tượng ngáo đá phạm tội nghiêm trọng; ngăn chặn tội phạm mua bán người;...
Liên quan đến vấn đề tín dụng đen, báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, trong đó trọng tâm là triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến "tín dụng đen"; trong đó khởi tố 34 vụ, với 66 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và 2.353 vụ án khác có liên quan (84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến "tín dụng đen").
Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm (riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16/12/2018 đến 15/2/2019, đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan "tín dụng đen"); trong đó, đã chủ động đồng loạt ra quân, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê.
Điển hình như Vụ phá đường dây cho vay lãi nặng, tạm giữ hình sự 11 đối tượng, thu giữ 11 tỷ đồng, 3 xe ôtô tại Hà Nội; vụ triệt phá nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen núp dưới danh nghĩa Công ty Tài chính Nam Long, bắt giữ 18 đối tượng thuộc 32 chi nhánh ở nhiều địa phương tại Thanh Hóa...
Theo Bộ trưởng, những kết quả này đã kiềm chế, làm cho hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, các băng nhóm liên quan đến "tín dụng đen" nói riêng không còn manh động, công khai như trước.
Tài chính Plus
- Quốc hội thông qua Luật Thi hành án hình sự sửa đổi: Phạm nhân sẽ có những quyền gì?
- Chuyện cổ phiếu "trà đá", cổ phiếu "rác" được đưa vào nghị trường Quốc hội
- ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Tôi ủng hộ UBCK Nhà nước thuộc Bộ Tài chính nhưng chủ tịch nên là Thứ trưởng
- Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi: Người nộp thuế có quyền gì?
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chính phủ rút nội dung nghỉ ngày 27/7 khỏi dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi