Bộ trưởng Trần Hồng Hà buộc Formosa đưa ống xả thải lên
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ sau chuyến kiểm tra trực tiếp Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Bộ trưởng nhìn nhận: “Đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, lần đầu tiên xuất hiện ở VN. Chúng tôi phải thừa nhận rằng các bộ ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học dù đã nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai trước thảm họa môi trường như thế nào còn lúng túng, chậm và không đáp ứng được kỳ vọng của người dân và công luận.
Tuy nhiên, chúng tôi rất mong người dân tiếp tục tin tưởng Bộ TN-MT cũng như các bộ ngành khác sẽ làm hết trách nhiệm với tinh thần công tâm, khoa học để sớm giải tỏa mối lo hiện nay”.
* Ông đã nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình, tuy nhiên người dân vẫn rất lo lắng khi câu trả lời xác đáng về nguyên nhân cá chết vẫn còn bỏ ngỏ?
- Ở trên cương vị bộ trưởng, tôi nhận khuyết điểm và xin nhận trách nhiệm trước người dân, trước các cơ quan nhà nước.
Nhưng cũng xin được nói thêm sự cố môi trường đang diễn ra là vấn đề rất lớn, nhiều nước trên thế giới cũng từng xảy ra và để đưa ra được nguyên nhân chính xác mất rất nhiều thời gian.
Thực tế ai cũng muốn sớm tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân đưa ra đòi hỏi phải rất khoa học, chính xác nhưng do vấn đề về năng lực, do vấn đề về khoa học công nghệ mà mình chưa làm được nên chưa làm rõ được nguyên nhân sớm.
Vì vậy, tôi nhận trách nhiệm của một người đứng đầu lĩnh vực mình quản lý, đó là trách nhiệm của tôi khi chưa trả lời được vấn đề này trước dân khi người dân đang lo lắng. Vì vậy, chúng tôi đang rất nỗ lực để sớm tìm ra nguyên nhân chính xác nhất gây tình trạng cá chết hiện nay.
* Trong quá trình kiểm tra trực tiếp tại Formosa, ông có nói “đối với pháp luật VN, việc xả thải ngầm, ống thải ngầm là không cho phép”, trong khi Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân trước đó lại nói “đường ống ngầm của Formosa là hợp pháp”. Ông giải thích thế nào về việc này?
- Tôi khẳng định pháp luật VN không cho phép vì điều 101 Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 đã thể hiện, trong đó quy định: bất cứ đường ống nào - nhất là đường ống xả thải - đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng.
Còn Thứ trưởng Nhân có nói về sự hợp pháp là do nhìn vào hồ sơ thấy có sự cho phép của cơ quan chức năng.
* Thưa bộ trưởng, đường ống ngầm của Formosa dẫn ra biển được Bộ TN-MT chấp thuận năm 2014 sau khi có ý kiến của các bộ. Vì sao luật không cho phép mà bộ lại chấp thuận cho làm ống ngầm?
- Tôi đang chỉ đạo kiểm tra và làm rõ việc này. Trước mắt những cái gì chưa phù hợp phải sửa ngay. Còn việc kiểm tra, rà soát xem vì sao thời điểm trước chấp thuận, trách nhiệm thế nào, lý do vì sao chấp thuận, tôi đã chỉ đạo làm rõ và sẽ tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
* “Sửa ngay” như ông nói là phải đưa đường ống ngầm lên?
- Tôi nhìn ra vấn đề nếu để đường ống ngầm thì rất khó giám sát, rất khó kiểm tra. Vì vậy, trước mắt tôi đã chỉ đạo rõ, ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.
Luật quy định đường ống phải đảm bảo thật sự thuận lợi cho các cơ quan kiểm tra, như vậy không thể để ngầm được. Còn ở thời điểm này, tôi đang chỉ đạo tập trung giải quyết những vấn đề liên quan và ảnh hưởng đến người dân. Tập trung làm rõ để sớm trả lời câu hỏi còn nợ người dân.
* Ông đã chỉ đạo những giải pháp gì để giám sát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở sản xuất ở khu vực ven biển?
- Quan điểm của tôi là tất cả mọi chất thải phải được kiểm soát và việc kiểm soát đó phải bằng quy trình, lưu giữ bằng số liệu.
Đặc biệt, những số liệu này phải được truyền đến các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường qua hệ thống trực tuyến. Chỉ có vậy thì khi có vấn đề mới có thể lấy mẫu bất cứ lúc nào. Đấy là giải pháp chính phải làm, để phòng ngừa, ngăn chặn xả thải trái phép.
Vấn đề và giải pháp giám sát trực tuyến còn khá mới ở VN nhưng dứt khoát phải tiếp cận theo hướng này.
Những quy định của pháp luật về môi trường hiện nay đã quy định chặt chẽ hơn rất nhiều, bắt buộc phải quan trắc tự động có kết nối dữ liệu về các cơ quan quản lý. Đó là những việc sắp tới phải làm.
* Và với những nhà máy, cơ sở sản xuất lớn ở ven biển - đặc biệt là các cơ sở có vốn nước ngoài - nếu có sai phạm liệu có ngoại lệ nào trong xử lý, thưa ông?
- Xử lý sai phạm phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật, pháp luật phải là số 1. Chắc chắn không có một ngoại lệ nào nếu vi phạm. Bây giờ là lúc không trải thảm đỏ thu hút đầu tư bằng mọi giá để sau đó phải trả giá về môi trường.
Các điều khoản luật quy định
Khoản 2, điều 101 Luật bảo vệ môi trường quy định hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu: Thứ nhất, có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lý; \
Thứ hai, đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh; Thứ ba, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
Thứ tư, cửa xả thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát;
Thứ năm, phải được vận hành thường xuyên.
Tương tự, khoản 3, điều 101 cũng quy định: chủ quản lý hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện quan trắc định kỳ nước thải sau xử lý.
Số liệu quan trắc được lưu giữ làm căn cứ để kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.
Khoản 4 điều 101 quy định tiếp: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Tuổi trẻ