MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng TT&TT: Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phải được quản lý để chính danh

23-06-2023 - 14:45 PM | Kinh tế số

Sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý, quy định trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây theo hướng quản lý mềm giống như nhiều quốc gia khác, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của loại hình hạ tầng và dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh.

Sáng 22/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Trà Vinh quan tâm tới dịch vụ trung tâm dữ liệu dịch vụ điện toán đám mây được quy định tại Điều 23. Theo đó, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp FDI do nhu cầu xử lý thông tin và dữ liệu diễn ra ở bên ngoài Việt Nam, nhất là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, bảo hiểm nước ngoài hoặc các hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ đáp ứng yêu cầu như các yêu cầu trong dự thảo luật, như lập văn phòng đại diện hoặc có hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Do đó, đại biểu cho rằng, các quy định hạn chế đối với 2 loại hình dịch vụ này cũng có thể khiến môi trường đầu tư tại nước ta kém hấp dẫn và kém cạnh tranh hơn. Thay vào đó, đại biểu kiến nghị nên đưa ra các quy định theo hướng thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và tiếp cận theo hướng quản lý về mặt kỹ thuật, cho phép cung cấp dịch vụ nếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thay cho việc yêu cầu về việc đặt văn phòng đại diện hay có thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng TT&TT: Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phải được quản lý để chính danh - Ảnh 1.

Đại biểu Thạch Phước Bình. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, một số ý kiến ý kiến của ĐBQH đề nghị nghiên cứu kỹ các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để có chính sách, phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các lợi ích mà các dịch vụ thuộc lĩnh vực mới mang lại cũng như phù hợp với cam kết quốc tế.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc quy định như trong dự thảo tạo nên những hạn chế về rào cản pháp lý, tăng thủ tục hành chính đối với loại hình dịch vụ này và giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư. Hiện nay, chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan và Ai Cập đang quy định phân loại các dịch vụ này như dịch vụ viễn thông. Ngoài Trung Quốc, không có quốc gia nào áp đặt các hạn chế về vốn đầu tư.

Bộ trưởng TT&TT: Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phải được quản lý để chính danh - Ảnh 2.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quốc hội

Giải trình, làm rõ về trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cũng phải được quản lý ở đâu đó để chính danh, để giải quyết các tranh chấp, các vấn đề phát sinh giữa các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng với khách hàng và để Nhà nước đảm bảo sự phát triển theo chiến lược, theo quy hoạch, tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Luật Đầu tư đã xác định trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng đến nay chưa có quy định chuyên ngành về điều kiện kinh doanh trung tâm dữ liệu, đưa vào viễn thông để quản lý và cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, vì hạ tầng viễn thông đã chuyển sang hạ tầng số, vì trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cung cấp dịch vụ thông qua mạng viễn thông giống như dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng.

Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Tư lệnh ngành TT&TT sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý, quy định theo hướng quản lý mềm giống như nhiều quốc gia khác, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của loại hình hạ tầng và dịch vụ này nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trung tâm dữ liệu có tính hạ tầng, phát triển phải phù hợp với quy hoạch nên cần đăng ký. Điện toán đám mây là dịch vụ nên chỉ cần thông báo. Các thủ tục đăng ký, thông báo có thể làm trực tuyến dựa trên cam kết của doanh nghiệp mà không tiền kiểm. Về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì cho phép đến 100%, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để quản lý như nhau, không bảo hộ ngược.

Theo Vũ Phạm

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên