MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Xây dựng: Giá bất động sản tăng chậm dần, có dấu hiệu chững lại

15-07-2022 - 08:42 AM | Bất động sản

Bộ trưởng Xây dựng: Giá bất động sản tăng chậm dần, có dấu hiệu chững lại

"Thị trường bất động sản hiện đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh" là thông tin được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững tổ chức chiều 14/7.

Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày báo cáo đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn

Theo Bộ trưởng, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có nhiều chuyển biến:

Nguồn cung nhà ở thương mại trên cả nước liên tục sụt giảm thời gian qua. Trong năm 2021, có 172 dự án nhà ở thương mại, quy mô 24.027 căn hộ được hoàn thành trên cả nước, bằng 60% số dự án, 42% số căn hộ hoàn thành trong năm 2020. Trong 6 tháng năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư mới và số dự án hoàn thành cũng rất hạn chế, tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở thương mại chưa được cải thiện.

Với dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, trong năm 2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 17 dự án, quy mô xây dựng khoảng 27.800 căn, với tổng diện tích khoảng 1.400.000 m2 sàn xây dựng. Sang năm 2022, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng. 

Bộ trưởng Xây dựng: Thị trường có dấu hiệu chưa ổn định, lành mạnh - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ).

Về nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, trong năm 2021, cả nước có 52 dự án với 13.600 căn hộ du lịch và căn hộ văn phòng lưu trú, 2.280 biệt thự du lịch được chấp thuận, số lượng dự án bằng khoảng 35,4% so với năm 2020. Sang năm 2022, số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được triển khai, hoàn thành trên cả nước là rất ít. 

Bộ trưởng cho biết, lượng giao dịch bất động sản năm 2021 có khoảng 110.000 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ tại các dự án, nhưng lượng giao dịch đất nền tăng mạnh, tổng lượng giao dịch đất nền trong năm khoảng 170.000 giao dịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000 giao dịch, đất nền khoảng 200.000 giao dịch tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá giao dịch bất động sản, năm 2021, giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm, trong đó: giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 –7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, "sốt giá" đất nền tại một số địa phương. Mức độ tăng giá của các phân khúc bất động sản tập trung trong quý 1, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong quý 2.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.

Về lượng tồn kho bất động sản, còn khoảng 2.300 căn nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn đọng, chưa có giao dịch vào cuối năm 2021, ít hơn nhiều so với năm 2020 là khoảng 9.000 căn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung nhà ở hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao, theo đó, các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho.

Thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập

Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản hiện đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Cụ thể, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi như: về hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; về xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; về thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại bất động sản mới, bất động sản hỗn hợp, đa chức năng...

Nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất. Theo thông tin của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh có trên địa bàn Thành phố có khoàng 126 dự án.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản còn bất hợp lý: phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa. Trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Cũng theo Bộ trưởng, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 tr/m2.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt; một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp; còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề "môi giới" bất động sản tự do không có chứng chỉ hành nghề.

Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại một số địa phương còn tồn tại, bất cập. Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kiên quyết; công tác thông tin, công khai minh bạch về quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời..

Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Chính sách thuế đối với việc sử dụng bất động sản và hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản chưa phân biệt được giữa người sử dụng và đối tượng đầu tư, kinh doanh, chưa hạn chế được hiện tượng đầu cơ, găm giữ bất động sản. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế như một số vụ việc vừa qua.

https://cafef.vn/bo-truong-xay-dung-gia-bat-dong-san-tang-cham-dan-co-dau-hieu-chung-lai-20220714173812446.chn

Hải Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên