Bộ trưởng Y tế: Việc nhiều mà không được tăng biên chế thì rất khó!
Liên quan đến vấn đề quản lý an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng yếu tố nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi đó chúng ta có chủ trương không tăng biên chế, việc nhiều mà không đủ nhân lực thì rất khó giải quyết.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho biết như vậy khi giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các đại biểu có đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp về thực hiện các văn bản pháp luật cũng như sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan về quản lý an toàn thực phẩm.
Theo đó, Bộ trưởng Y tế khẳng định, hành lang văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam được quốc tế đánh giá khá đồng bộ, vấn đề bây giờ chỉ là khâu thực thi ở cơ sở.
“Về việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý, thời gian qua không chỉ có sự phối hợp giữa 3 bộ ( Bộ Y tế , Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương) mà còn phối hợp với nhiều bộ khác như: Bộ Công an, Tài nguyên và môi trường, Bộ Thông tin và truyền thông…”, bà Tiến nói,
Cũng theo bà Tiến, ngoài việc tổ chức các hội nghị về an toàn thực phẩm, nhiều hoạt động cũng được triển khai như tổ chức chuỗi thực phẩm sạch, thí điểm mô hình một cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm ở TP.HCM…
Tuy nhiên, bà Tiến thừa nhận vẫn còn một số quy định về quản lý an toàn thực phẩm còn bất cập, cần rà soát, điều chỉnh cả tầm luật và văn bản dưới luật...
Theo đó, Bộ trưởng Tiến khẳng định trong thời gian tới sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng; tránh lạm dụng bia rượu, ban hành các tiêu chuẩn về thực phẩm trên cơ sở tham khảo quy định của quốc tế cũng như kiến nghị sửa một số nghị định.
Đặc biệt, theo bà Tiến, việc xử phạt hành chính đối với các vụ vi phạm an toàn thực phẩm hiện nay còn quá nhẹ, chưa nghiêm minh. Cần phải xem xét tăng mức xử phạt, nâng cao tính răn đe.
“Tại sao văn bản đồng bộ mà các vụ ngộ độc, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn xảy ra nhiều. Một phần do chúng ta kiểm tra nhiều hơn nên cũng phát hiện nhiều hơn nhưng phần lớn là do doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh coi thường sức khoẻ người dân, không thực hiện nghiêm luật về an toàn thực phẩm”, bà Tiến nói và cho biết, đó là vì mới có tình trạng “hai luống rau, hai chuồng gà”, rồi thịt hỏng rồi vẫn đem ra làm chà bông...
“Người sản xuất vì lợi nhuận mà quên đi lương tri. Tôi đồng tình với một đại biểu phát biểu sáng nay, cần kêu gọi thức tỉnh lương tri của người sản xuất”, bà Tiến nói.
Bà Tiến nhấn mạnh, văn bản có quy định đẩy đủ rồi những vẫn xảy ra sai phạm vì họ cố tình làm sai, không chịu thực thi đúng. Xử lý của chúng ta còn quá nhẹ, mức phạt trung bình mỗi vụ có 200 nghìn.
Đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng thực phẩm “bẩn” tràn lan, theo Bộ trưởng Y tế, bên cạnh việc nâng cao mức xử phạt thì cần bàn tới vấn đề nguồn nhân lực.
“Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất nhưng giờ chúng ta chủ trương không tăng biên chế. Vấn đề an toàn thực phẩm rất lớn, rất nhiều việc nhưng không được tăng biên chế thì khó có thể giải quyết được mâu thuẫn”, bà Tiến nói.
Bà Tiến dẫn chứng, cả nước hiện nay chỉ có 350 người cấp quản lý trung ương về an toàn thực phẩm, hơn 2.500 cán bộ ở cấp địa phương, trong đó nhiều người kiêm nhiệm. Mỗi xã chỉ 1 người cũng là kiêm nhiệm.
Trong khi đó, theo bà Tiến, riêng thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) có tới 5.000 thanh tra, BangKok (Thái Lan) cũng hơn 3.000 người.
Bà Tiến cho rằng, nếu không tăng được biên chế thì phải phát huy nguồn nhân lực bán chuyên trách ở tuyến xã phường. Nếu không phát huy được đội ngũ này thì thực sự khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm.
BizLIVE