Bộ TT&TT tư vấn nhận diện cuộc gọi lừa đảo deepfake
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, có nhiều dấu hiệu nhận diện cuộc gọi lừa đảo deepfake như khuôn mặt người gọi thiếu cảm xúc, hướng đầu và cơ thể không nhất quán, màu da bất thường, đặc biệt kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng rồi thông báo mất sóng, sóng yếu.
- 06-05-2023Đây là ứng dụng giúp bạn tránh nguy cơ bị "ăn cắp" dữ liệu trên iPhone
- 06-05-2023ChatGPT cần 'uống' bao nhiêu lít nước để trả lời 50 câu hỏi: Nhìn qua tưởng không nhiều, nhưng nếu tính tổng lượng tiêu thụ sẽ thấy bất ngờ
- 06-05-2023Nhỡ chuyển khoản nhầm, chủ tài khoản có thể thực hiện các bước sau để lấy lại tiền
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng nay (5/5), đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake nhằm mục đích lừa đảo chuyển tiền.
Với hình thức lừa đảo này, các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè nhằm thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.
“Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Nó có thể được sử dụng không chỉ để lừa đảo trực tuyến mà còn sử dụng cho các mục đích khác như tấn công chính trị, tạo ra những tin tức giả mạo hoặc phá hoại danh tiếng của người khác”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đối với các cuộc gọi deepfake có thể nhận diện bằng mắt thường. Một số dấu hiệu điển hình như thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây, khuôn mặt người gọi thiếu tính cảm xúc và khá "trơ", tư thế lúng túng, không tự nhiên, hướng đầu và cơ thể của người gọi trong video không nhất quán với nhau.
Ngoài ra, màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh. "Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên", đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Đặc biệt, theo chuyên gia của Bộ, các cuộc gọi lừa đảo deepfake thường xảy ra tình huống, người gọi đề nghị chuyển tiền vào tài khoản không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.
Ngoài ra, kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu..."Tóm lại, các yếu tố kỳ lạ như trên là báo hiệu đỏ của deepfake. Người dân nên luôn cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh", đại diện Bộ chia sẻ.
Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, để giải quyết gốc rễ vấn đề lừa đảo trực tiếp như deepfake cần nhiều giải pháp như giải pháp công nghệ giúp nhận diện cuộc gọi lừa đảo, hạn chế các tài khoản ngân hàng không chính chủ, thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Tiền Phong