MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện chống độc quyền, “cỗ máy in tiền” của Google bị đánh trực diện

25-01-2023 - 10:36 AM | Tài chính quốc tế

Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện chống độc quyền, “cỗ máy in tiền” của Google bị đánh trực diện

Lần thứ 2 trong vòng 2 năm, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã đệ đơn chống độc quyền nhằm vào Google, dấu hiệu mới nhất cho thấy Chính phủ Mỹ không lùi bước trong các hành động pháp lý chống lại những gã khổng lồ công nghệ.

Trong vụ kiện này, DOJ nhằm vào bộ phận kinh doanh quảng cáo trực tuyến, vốn được coi là cỗ máy in tiền của Google. Họ cũng tìm cách khiến Google phải rút bớt khỏi các hoạt động kinh doanh cốt lõi này.

Đây là vụ kiện đầu tiên nhằm vào Google dưới Chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Trước đó, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra một đơn kiện khác, cáo buộc Google sử dụng thế độc quyền để “cắt đứt” sự cạnh tranh trên Internet. Vụ kiện đó dự kiến được đưa ra xét xử trong tháng 9.

Hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google đã tạo ra 54,5 tỷ USD trong quý kết thúc vào 30/9. Số tiền này tới từ quảng cáo trên trang tìm kiếm, YouTube, Google Network và các kênh khác.

Google hiện cũng đang phải đối mặt với 3 vụ kiện chống độc quyền khác từ một nhóm đáng kể các tổng chưởng lý tiểu bang do Ken Paxton, tổng chưởng lý bang Texas, dẫn đầu. Các bang California, Colorado, Connecticut, New Jersey, New York, Rhode Island, Tennessee và Virginia đã tham gia cùng DOJ trong vụ kiện mới nhất.

Hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google đã thu hút nhiều sự chỉ trích vì nền tảng này hoạt động trên nhiều khía cạnh của thị trường, từ mua, bán và trao đổi quảng cáo…, giúp Google có những lợi thế đặc biệt. Tuy nhiên, từ lâu Google đã bác bỏ cáo buộc thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến. Họ sử dụng hoạt động kinh doanh của Meta, công ty mẹ Facebook, để chứng minh cho lập luận của mình.

Bộ Tư pháp Mỹ không đồng ý với lập luận này. Họ cho rằng Google đã tìm cách kiểm soát tất cả các khía cạnh của thị trường và khẳng định rằng Google đóng vai trò then chốt nhất trong các hoạt động phân bổ quảng cáo.

“Google sẽ không còn phải cạnh tranh với ai. Họ chỉ việc đặt ra quy tắc để loại bỏ đối thủ của mình”, đơn kiện cho biết. Và tác hại của việc này là những người tạo dựng web kiếm được ít hơn so với việc được ở trong một môi trường có cạnh tranh. Ngoài ra, những công cụ, công nghệ quảng cáo sáng tạo hơn có thể không được ra đời khi mất đi sự cạnh tranh.

Ngoài ra, đơn kiện cũng cho biết một phần khác trong chiến lược của Google là thâu tóm các công ty khác để củng cố vị thế của mình trên thị trưởng quảng cáo và “tạo tiền đề cho việc loại trừ về sau” có thể được diễn ra thuận lợi.

“Google đã lấy của các nhà quảng cáo để trả cho các nhà xuất bản đồng thời thu một khoản phí khổng lồ cho vị trí đặc quyền của mình trong giao dịch này. Tuy nhiên, mức giá mà Google đưa ra khiến đối thủ không thể cạnh tranh, nhất là khi họ không thể biết được nhu cầu quảng cáo từ Google Ads”, cáo buộc cho biết.

Ngoài ra, Google cũng liên tục xác định các mối đe dọa tiềm ẩn với sự thống trị của mình. Chẳng hạn như khi các công cụ quản lý lợi nhuận ra đời để giúp các nhà xuất bản tìm được mức giá tốt hơn cho khoảng không quảng cáo trên trang của mình (bên ngoài hệ sinh thái của Google), công ty sử dụng chiến dịch quen thuộc là mua lại để dập tắt mối đe dọa cạnh tranh.

Thực tế, Google không phải gã khổng lồ công nghệ duy nhất nằm trong tầm ngắm của Chính phủ Mỹ. Tại Ủy ban Thương mại Liên bang, Meta và Microsoft cũng đang bị kiện vì hành vi độc quyền. Ở châu Âu, sự giám sát cũng ngày càng gia tăng với những gã khổng lồ công nghệ.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên