MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tư pháp nói về đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư của ông Nguyễn Đức Chung

20-07-2018 - 13:00 PM | Xã hội

Theo đại diện Bộ Tư pháp, có 9/15 trường của cơ sở dữ liệu dân cư là thông tin hộ tịch, việc khai thác thông tin hộ tịch phải tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo bí mật cá nhân.

Tại buổi họp báo quý II/2018 về công tác tư pháp diễn ra ngày 20-7, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp), đã trả lời một số nội dung liên quan đến việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư.

Thông tin hộ tịch bao gồm: khai sinh, kết hôn, khai tử... được coi là thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này được thu thập 15 trường thông tin (trường thông tin là những thông tin dữ liệu được tùy biến theo trong hệ thống nhằm ghi nhận thông tin mang tính cá nhân hóa - PV), trong đó có 9 trường là thông tin hộ tịch.

"Thông tin hộ tịch được cập nhật thường xuyên. Thông tin này được bảo mật với cơ sở hộ tịch nói chung và cá nhân nói riêng. Điều này đã quy định rõ trong Luật Hộ tịch về việc bảo mật thông tin hộ tịch"- ông Nguyễn Công Khanh nói.

Bộ Tư pháp nói về đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư của ông Nguyễn Đức Chung - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư

Theo ông Khanh, việc bảo mật thông tin hộ tịch được quy định rõ trong Điều 59 và Điều 61 của Luật Hộ tịch.

Cụ thể, Điều 61 Luật Hộ tịch quy định: Cơ sở dữ liệu hộ tịch được quản lý, bảo mật, bảo đảm an toàn; chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được tiếp cận và khai thác theo quy định của pháp luật; cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch có trách nhiệm bảo đảm bí mật cá nhân trong cơ sở dữ liệu hộ tịch.

"Do đó, các cơ quan có thẩm quyền mới được phép khai thác thông tin hộ tịch, nhưng cơ quan nào chưa nằm trong quy định nếu tự ý khai thác sẽ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, công chức làm công tác hộ tịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm lộ thông tin của người dân trong quá trình đăng ký hộ tịch"- ông Khanh nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) khẳng định, việc khai thác thông tin về hộ tịch phải tuân theo quy định của pháp luật, không thể khai thác tự do được.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho TP Hà Nội thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu dân cư.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, dữ liệu dân cư sẽ được chia sẻ cho một số lĩnh vực như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho biết thêm, nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm TP Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…); Chính phủ sớm có hướng dẫn quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành với bộ, ban, ngành.

Trường thông tin là những thông tin dữ liệu được tùy biến theo trong hệ thống nhằm ghi nhận thông tin mang tính cá nhân hóa đối với từng doanh nghiệp. Những trường thông tin có các tùy chọn (loại input là select, checkboxes, radiobuttons…) và có thể hiển thị ở khắp mọi nơi như: hồ sơ khách hàng, hồ sơ nhân viên, sự kiện hay danh sách tiếp thị.


Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên