MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ tứ rạp chiếu phim đồng thanh kêu cứu, riêng 'ông trùm' CGV Việt Nam nắm hơn một nửa thị phần đã lỗ hơn 850 tỷ đồng năm 2020

04-06-2021 - 08:01 AM | Doanh nghiệp

Bộ tứ rạp chiếu phim đồng thanh kêu cứu, riêng 'ông trùm' CGV Việt Nam nắm hơn một nửa thị phần đã lỗ hơn 850 tỷ đồng năm 2020

Công ty chiếu phim nắm thị phần lớn nhất Việt Nam cũng là đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm COVID-19.

Bốn công ty kinh doanh rạp chiếu phim Việt Nam gồm Thiên Ngân, BHD, CGV và Lotte Cinema vừa có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ vượt qua khó khăn do tác động của COVID-19.

"Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành, tâm lý khách hàng lo sợ, kế hoạch sản xuất và nguồn phim chịu tác động trực tiếp. Doanh thu của các rạp chiếu phim gần như bằng 0 trong khi vẫn phải chi trả các chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên. Do đó, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng có thể đối mặt nguy cơ phá sản", văn bản nêu.

Ngành điện ảnh mong Chính phủ và Bộ ngành "chiếu cố" doanh nghiệp và có những chính sách hỗ trợ trực tiếp.

Cụ thể, các doanh nghiệp muốn được xem xét cho rạp chiếu phim sớm được hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, họ cũng mong có những hỗ trợ giải quyết khủng hoảng thanh toán, giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản và hơn 10.000 lao động tránh bị sa thải hàng loạt.

CGV Việt Nam đại diện cho bộ mặt ngành chiếu phim khi nắm khoảng 50% thị phần. Trong năm 2020, công ty này bị ảnh hưởng nặng, chứng kiến doanh thu giảm 61% còn gần 1.400 tỷ đồng. Năm đỉnh cao 2019, CGV Việt Nam ghi nhận doanh thu tới hơn 3.630 tỷ đồng, tức trung bình hơn 10 tỷ đồng mỗi ngày.

Tại Việt Nam, CGV hiện sở hữu 81 khu vực chiếu phim, 474 màn hình chiếu trên cả nước. Công ty Hàn Quốc thực tế đã phải đóng bớt số cơ sở chiếu phim trong năm 2020 khó khăn.

Đáng chú ý, trong năm vừa rồi số lỗ của CGV Việt Nam tăng đột biến lên hơn 850 tỷ đồng. Các năm trước đó, công ty lỗ lần lượt hơn 150 tỷ đồng và 27 tỷ đồng (theo báo cáo của công ty mẹ).

Bộ tứ rạp chiếu phim đồng thanh kêu cứu, riêng ông trùm CGV Việt Nam nắm hơn một nửa thị phần đã lỗ hơn 850 tỷ đồng năm 2020 - Ảnh 1.

Số liệu: CJ CGV Hàn Quốc

Khoản lỗ nặng khiến vốn chủ của CGV Việt Nam âm khoảng 470 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty chiếu phim hơn 7.800 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ghi nhận hơn 8.300 tỷ đồng.

Như vậy, ngay cả công ty chiếu phim lớn nhất Việt Nam cũng đang trong tình trạng hết sức đáng quan ngại.

Trong quý đầu năm, doanh thu của CGV Việt Nam tiếp tục giảm 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, EBITDA được cải thiện nhờ sự thành công của một số phim Việt Nam, trong đó có "Bố già" đạt kỷ lục phòng vé.

Sự hồi phục diễn ra khá tích cực, trước khi làn sóng COVID-19 thứ 4 ập đến, diễn biến phức tạp và kéo dài.

Trong văn bản kiến nghị, các công ty chiếu phim đưa ra những giải pháp kiến nghị lên Chính phủ và Bộ ngành:

- Có những chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới.

- Cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn đến hết năm 2021.

- Giảm 50% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp điện ảnh thu được và hoãn việc nộp thuế này đến hết năm, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động của các doanh nghiệp điện ảnh.

- Có chính sách vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản tạo điều kiện để các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ cho các đơn vị rạp chiếu phim trong thời gian phải đóng cửa vì dịch bệnh và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp hoạt động trở lại…

Sự khó khăn của các nhà kinh doanh màn ảnh rộng đang tỏ ra trái ngược so với sự thăng hoa của các mô hình chiếu phim trực tuyến như Netflix, FPT Play hay Galaxy Play, tất cả đến từ thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong điều kiện bất định của đại dịch.

Đông A

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên