MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ việc IT lương nghìn USD/tháng để làm người đánh giày, 8X trở thành ông chủ, kiếm 150 triệu đồng/tháng

08-06-2023 - 10:45 AM | Lifestyle

Đang làm công việc IT ở công ty đa quốc gia với một mức lương nghìn USD, anh Đinh Thanh Phong quyết định từ bỏ công việc này để làm người đánh giày. Với anh, việc đánh giày, chăm sóc giày da không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê.

Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin, làm việc trong ngành IT tại một công ty đa quốc gia với mức lương đáng mơ ước 1000USD/tháng vào 6 năm về trước, anh Đinh Thanh Phong (SN 1986, Hà Nội) lại quyết định bỏ việc IT về làm một người đánh giày. Quyết định này của anh khiến mọi người xung quanh đều ngỡ ngàng.

Mặc kệ cái nhìn hay đánh giá từ người khác, anh Đinh Thanh Phong trở thành một người đánh giày và sáng lập ra một thương hiệu chăm sóc giày da của riêng mình. Đã 6 năm trôi qua, anh Phong vẫn bền bỉ với công việc chăm sóc những đôi giày da của mình.

Bỏ việc lương nghìn USD, khởi nghiệp đánh giày vì không thích nhàn rỗi 

Trước khi trở thành một “người đánh giày”, anh Đinh Thanh Phong làm việc trong ngành IT cho một công ty đa quốc gia. Anh cho biết thời, lúc bấy giờ, bản thân đã trải qua 3 công ty trong suốt quá trình 12 năm đi làm. Theo anh, anh nhảy việc khá ít và đây cũng là tính cách của bản thân là khá trung thành và kiên trì với 1 công việc nào đó.

Anh chia sẻ rằng, mức lương mà bản thân nhận được ở thời điểm đó là khoảng 1000USD/tháng chưa kể các loại hoa hồng mà mình nhận được từ đào tạo khách hàng hoặc bán hàng. Nhưng vì công việc khá nhàn mà bản thân lại là người không thích nhàn rỗi vì thế trong thời gian đi làm công ty, anh Phong cũng tự nghĩ ra công việc khác để làm khi thời gian rảnh rỗi và sau giờ làm để chân tay luôn được vận động. Công việc làm thêm lúc này của anh là đánh giày.

Phần vì không thích một công việc quá nhàn nhã, phần vì cảm thấy công việc lúc bấy giờ khiến anh không thể tự quyết được tương lai và thu nhập của mình nên anh đã quyết định phải thay đổi để có thể có một tương lai như mình mong muốn. Làm song song 2 công việc một thời gian, anh quyết định nghỉ hẳn công việc IT ở công ty đa quốc gia về làm người đánh giày toàn thời gian.

Có một công việc ổn định với một mức lương cao, bỗng bỏ việc để theo đuổi đam mê, nhiều người xung quanh anh xem quyết định này là có phần táo bạo nhưng anh Đinh Thanh Phong lại cảm thấy đây là một quyết định hoàn toàn bình thường.

Bỏ việc IT lương nghìn USD/tháng để làm người đánh giày, 8X trở thành ông chủ, kiếm 150 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Anh Đinh Thanh Phong hiện đang sở hữu 1 tiệm đánh giày.

Anh chia sẻ: “Thực ra khi mình quyết định nghỉ công ty để làm việc này một cách thực sự thì đó cũng chỉ là một quyết định rất bình thường vì lúc đó mình đã có nguồn thu và bước tiếp theo của công việc rồi, và việc của mình rất đơn giản đó là “quyết định” và thông báo cho gia đình. Còn mình luôn tự lập và đã có định hướng cho bước tiếp theo của cuộc sống và đã tự quyết định nghỉ việc đầu tiên thì sau các lần tiếp theo mình không hề phải cần sự cân nhắc nào từ gia đình hay bạn bè cả. Bởi mình nghĩ bạn bè hay gia đình mình không ai đi con đường của mình cả mà chỉ có mình biết và mình hiểu nên chỉ có bản thân mới giúp được mình”.

Niềm đam mê với công việc đánh giày

Hành trình khởi nguồn đam mê trở thành một người đánh giày của anh Đinh Thanh Phong đến theo một cách rất đỗi ngẫu nhiên. Anh cho biết một chú chủ tiệm cafe đã gợi ý cho anh. Anh kể lại: “Đó là một người chú pha cafe rất đáng mến. Cho đến tận bây giờ mình vẫn uống cafe và lấy cảm hứng từ quán cafe đó.

Anh kể: “Một buổi sáng đi làm ngày xưa mình vẫn phải mặc áo sơ mi và quần âu, đương nhiên sẽ là cả giày tây nữa. Mình uống cafe của chú mỗi sáng. Bỗng một ngày, chú nói rằng: “Phong ơi con bán giày đi chú có nhiều khách sộp lắm chú sẽ giới thiệu cho con”. Sau đó, mình đã trả lời chú: Chú ơi có nhiều người bán giày lắm rồi ạ, con không bán giày đâu, nhưng không ai chăm sóc giày cả con có làm thì sẽ làm đánh giày cho người ta”. Và đến buổi trưa là mình có trang fanpage đầu tiên: “Tiệm Đánh Giày”. Những người khách đầu tiên là tất cả những người bạn uống cafe buổi sáng ở quán”.

Bỏ việc IT lương nghìn USD/tháng để làm người đánh giày, 8X trở thành ông chủ, kiếm 150 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Số vốn anh bỏ ra khi đi đánh giày là 5 triệu đồng. “Công việc đánh giày khá đơn giản nhưng đơn hàng đầu tiên mình mua cũng không bé: 5 triệu đồng để mua đơn hàng xi và bàn chải đầu tiên. Nó không quá lớn so với thu nhập của mình lúc đó”, anh Phong nói.

Anh cho biết, sau đó, anh làm tiệm đánh giày ở nhà trong 8 tháng. Hàng ngày, anh đánh giày trên chiếc bàn làm việc ở góc phòng ngủ. Sau mỗi giờ đi làm về vào lúc 7h30 tối, anh sẽ bắt đầu đánh giày của khách, kết thúc và dọn dẹp vào lúc 12h đêm. Sáng hôm sau sẽ dậy và đi làm cùng đống giày của khách. Buổi trưa sẽ là lúc anh đi gửi đồ cho khách và buổi chiều lại xách đồ mới về để làm.

Bắt đầu một công việc mới, bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, anh Phong gặp không ít khó khăn. Anh chia sẻ: “Khi bắt đầu với việc đánh giày, mình không khó khăn về tiền hay tài chính đâu vì lúc đó vẫn làm thuê vẫn có lương để nuôi sống bản thân. Hồi đó chẳng có khó khăn gì chỉ việc làm với đam mê thôi, nhưng bắt đầu làm sâu hơn với đồ hiệu, mình cũng thấy hơi áp lực vì lúc đó đối tác lớn nhất của mình là 1 cửa hàng bán đồ hiệu lớn nhất Hà Nội”.

Bên cạnh đó, anh cho biết, bản thân nhiều đêm đau đầu vì phải xử lý những đôi giày hiệu. Một số trở ngại mà anh gặp phải lúc đó là kỹ thuật thì non kém, dụng cụ còn thiếu, hóa chất và đồ đạc còn thô sơ, đồ hiệu thì đắt tiền nếu không cẩn thận và kỹ càng thì sẽ hỏng và phải đền ngay.

Trước những khó khăn gặp phải, anh vẫn rất nhiệt huyết với công việc đánh giày của mình. Anh Đinh Thanh Phong nói: “Mọi khó khăn đều tạo áp lực vô hình, vì mình là người cầu toàn vì thế mà mỗi việc mình đều muốn hoàn thành một cách hoàn hảo, dần dần áp lực sẽ được làm quen và công việc làm đi làm lại sẽ trơn chu. Và mình biết mình làm tốt điều gì sẽ tập trung vào nó mà thôi chứ không ôm tất cả mọi thứ để bị stress”.

Anh tự mày mò, tìm hiểu trên mạng, trên youtube rồi học hỏi sau mỗi lần làm để đúc kết ra kinh nghiệm. Dần dần, anh trở thành một người đánh giày chuyên nghiệp và thành chủ tiệm chăm sóc giày cao cấp.

Bỏ việc IT lương nghìn USD/tháng để làm người đánh giày, 8X trở thành ông chủ, kiếm 150 triệu đồng/tháng - Ảnh 3.

Kiếm 150 triệu đồng/tháng, xử lý những đôi giày có giá cả trăm triệu đồng 

Anh Đinh Thanh Phong cho biết, hiện nay, thu nhập từ công việc đánh giày, chăm sóc giày của anh là 150 triệu đồng/tháng. Chia sẻ cụ thể về con số 150 triệu/tháng, anh nói: “Nếu theo những gì mọi người biết thì 1 đôi giày vệ sinh bên mình cũng chỉ 150.000-250.000 đồng thì để đạt được con số kia thực sự là không tưởng. Nhưng mọi người đi đánh giày cao cấp thì sẽ ít khi mang 1-2 đôi vì mọi người chưa có thói quen này, mà mọi người sẽ gom 2-3 đôi. Đương nhiên không chỉ vệ sinh mà sẽ dùng thêm cả các dịch vụ cao cấp khác.

Chia sẻ với mức giá đánh giày tại tiệm là 150.000-250.000 đồng/đôi, gấp 10 lần với chi phí đánh giày mà mọi người thường thấy là 15.000-20.0000 đồng/đôi, anh Phong lý giải với những dịch vụ chăm sóc giày cầu kỳ, người đánh giày cũng phải được đào tạo và qua quá trình kiểm duyệt gắt gao mới được làm giày của khách.

Với mức giá như vậy, không phải toàn bộ các đôi giày được đưa đến tiệm giày của anh để sử dụng dịch vụ chăm sóc đều là giày đắt tiền. Anh Phong chia sẻ: “Đó là những đôi giày mà khách yêu quý nhất. Có những đôi giày không đắt tiền khách vẫn gửi tới thậm chí số tiền bỏ ra để chăm sóc còn lớn hơn nhiều so với đôi giày đó mua mới, nhưng khách vẫn chấp nhận vì nó là kỷ niệm. Có nhiều khách hàng họ yêu quý giày thì dù giày đắt hay không đắt họ OCD nên họ rất muốn đôi giày mình được chỉn chu hết mức”. Anh Đinh Thanh Phong cho biết, những đôi giày anh từng xử lý đắt nhất là 180 – 250 triệu đồng. Có những đôi giày phải xử lý cả tháng mới gửi lại được cho chủ nhân đôi giày.

Bỏ việc IT lương nghìn USD/tháng để làm người đánh giày, 8X trở thành ông chủ, kiếm 150 triệu đồng/tháng - Ảnh 4.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã làm nghề và mở thương hiệu riêng của mình được 6 năm, chia sẻ cảm nhận về công việc chăm sóc giày của mình, anh Đinh Thanh Phong nói: “Làm nghề nào mà chuyên nghiệp, được lên đến đỉnh cao cũng đều tuyệt vời cả. Nhiều người đã nói với mình trên TikTok hay Facebook là mình là thợ đánh giày giỏi nhất. Mình cũng không biết thước đo nào về cái nhất đó nhưng mình cảm thấy những video chia sẻ về đánh giày của mình đã chạm đến con số vài triệu lượt xem. Thì đó là vài triệu người đã biết cách đánh giày đúng và chăm sóc giày đúng. Đó là một điều tuyệt vời khi làm 1 người đánh giày mà truyền được cảm hứng cho nhiều người”.

Cho dù làm công việc đánh giày nhiều vất vả, phải lao động chân tay nhưng anh chưa bao giờ hối hận với lựa chọn bỏ việc IT để theo đuổi đam mê của mình. Anh chia sẻ: “Mỗi quyết định trong cuộc sống của mình đều chưa bao giờ hối hận vì cho đến bây giờ thì thu nhập từ việc đánh giày dù vất vả hơn IT rất nhiều nhưng nó là thứ mình muốn làm hàng ngày và mình không hề mất năng lượng vì nó. Ngày nào cũng có thử thách cần vượt qua ngày nào cũng gặt hái được 1 thành công nhỏ bé nào đó. Chứ không phải 1 công việc mà đợi cuối tháng lương về, mà đây là công việc mình thấy ngay được lương hay không có lương trong từng hành động”.

Bày tỏ những định hướng phát triển trong tương lai, anh Đinh phong mong muốn bản thân sẽ góp phần thay đổi thói quen và cách sử dụng giày da của người Việt và nó là định hướng lâu dài. Trong tương lai, anh Phong muốn mở các lớp dạy nghề để có thể đưa công việc này đến nhiều người hơn, nó là một nghề chân chính và có thể kiếm được tiền nếu bạn đầu tư một cách nghiêm túc.

Ảnh: NVCC

Theo Minh Nguyệt

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên