Bộ Xây dựng chính thức tăng gấp đôi diện tích quy hoạch vùng thủ đô
Ngày 11/8, Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
- 02-07-2016‘Nằm trong vùng Thủ đô thì không thể từ từ được’
- 16-03-2016Thủ tướng chỉ đạo bổ sung hệ thống giao thông ngầm trong vùng Thủ đô
- 21-04-2014Phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Như vậy, có 3 tỉnh được mở rộng so với quyết định được phê duyệt năm 2008 là Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng sẽ là trên 24.000 km2, tăng đáng kể so với tổng diện tích cũ hơn 13.000 km2.
Mục tiêu của việc điều chỉnh nhằm hướng tới đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững.
Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (khu vực nông nghiệp, làng xóm, di tích văn hóa - lịch sử, bảo tồn thiên nhiên...).
Bên cạnh đó, sẽ tập trung phát triển hệ thống đô thị các tỉnh vùng đồng bằng thông qua khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị, nhất là các đô thị trung tâm nhằm phát huy thế mạnh của đô thị…
Đặc biệt, tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Hà Nam; Hà Nội - Thái Nguyên)…