MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Xây dựng: Dù đã giảm lãi suất cho vay nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại

07-07-2023 - 12:59 PM | Bất động sản

Bộ Xây dựng: Dù đã giảm lãi suất cho vay nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại

Nhận định về tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu nay, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động vẫn chưa sôi động trở lại.

Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Xây dựng, tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu nay tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.

"Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ", Bộ Xây dựng nêu tại báo cáo.

Bên cạnh đó, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.

Cụ thể, về nguồn cung bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc. Trong đó, nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối 2022; nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng 4 dự án với quy mô 934 căn hộ; dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 8 dự án với 3.385 căn.

Về giá giao dịch, tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý I/2023. Giá chung cư tại các địa phương giảm từ 2-6% so với kỳ trước, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6-10% so với kỳ trước, đất nền tại các dự án giảm khoảng từ 8-11%.

Về tổng lượng giao dịch có khoảng 187.000 giao dịch thành công, đạt 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 40,69% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Về tín dụng bất động sản, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng bất động sản tháng 2/2023 là 859.394 tỷ đồng.

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng, tăng 76,0% so với cùng kỳ.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, đơn vị này đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp.

Đơn cử, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, TP.HCM về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án bất động sản.

Đồng thời, Tổ công tác đã nghiên cứu, rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý 108 văn bản…

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã thực hiện công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo định kỳ.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh.

Phương Hoàng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên