MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Xây dựng lần đầu tiết lộ hàng loạt cơ chế "khủng" cho doanh nghiệp BĐS xây dựng nhà ở giá thấp

12-06-2020 - 11:47 AM | Bất động sản

Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết xây dựng nhà ở thương mại giá thấp (diện tích dưới 70m2, giá dưới 10 triệu đồng/m2), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông Vũ Văn Phấn - Cục phó Cục quản lý thị trường BĐS (Bộ Xây dựng).

Thưa ông, Dự thảo Nghị quyết xây dựng nhà ở thương mại giá thấp đang rất được quan tâm. Xin ông cho biết, hiện nay Bộ Xây dựng đang thực hiện xây dựng dự thảo nghị quyết này đến đâu?

Do nhu cầu thực tế, thời gian vừa qua Bộ Xây dựng đã đánh giá thị trường, điều tra khảo sát nhu cầu người dân. Bộ nhận thấy, hiện nay Cung – Cầu nhà ở trên thị trường BĐS có nhiều bất cập. Trong nhà ở cao cấp phục vụ một số nhỏ đối tượng thì cung vượt quá cầu. Còn phân khúc nhà ở giá rẻ diện tích dưới 70m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2 phục vụ đại đa số người dân còn rất hạn chế, chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu người dân. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở giá thấp liên tục tăng cao bởi xu hướng tách hộ gia đình trẻ đang xảy ra mạnh mẽ.

Đặc biệt, hiện nay ở giai đoạn khi thị trường BĐS vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, càng cho thấy sự cần thiết phải phát triển phân khúc nhà ở giá thấp. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi thị trường bất động sản khó khăn thì người thu nhập thấp sẽ là đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất, trong đó phân khúc nhà ở xã hội là lĩnh vực được quan tâm đầu tư. Chính vì vậy, Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu. Hơn 10 ngày qua, Bộ Xây dựng đang rất tập trung triển khai xây dựng, dự kiến cuối quý quý 3 năm nay sẽ trình Chính phủ.

Thưa ông, doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở thương mại giá thấp sẽ được ưu đãi như thế nào?

Về giải pháp về khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2), Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp với một số giải pháp dự kiến như sau:

Về quy hoạch: Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp (dự kiến tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án).

Được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án; trường hợp chủ đầu tư dự án đã có quyền sử dụng đất (đã trả tiền sử dụng đất theo quy định) thì sẽ được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại địa phương sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, thẩm định.

Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng (02 năm) kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Về thủ tục đầu tư xây dựng được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn khác ngoài ngân sách).

Trường hợp dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế  cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng (có hiệu lực ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được thông qua).

Về cơ chế huy động vốn, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp được huy động vốn từ các nguồn hợp pháp theo quy định tại Điều 69 Luật Nhà ở 2014 (gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tiền mua, tiền cho thuê, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam).

Chủ đầu tư được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang rất quan tâm đến chính sách tín dụng, lãi suất ưu đãi khi phát triển nhà ở giá thấp, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Hiện Bộ Xây dựng đang đề xuất cho chính phủ xem xét cho những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp được ưu đãi về vốn, lãi suất sẽ ở đâu đó 7-8%, đây mà mức lãi suất cao hơn một chút so với ưu đãi lãi suất nhà ở xã hội 5% nhưng vẫn thấp hơn nhiều lãi suất vay đầu tư BĐS trên thị trường hiện nay.

Thưa ông, chính sách xây dựng nhà ở xã hội khống chế tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư không vượt quá 10%, vậy khi phát triển nhà ở thương mại giá thấp doanh nghiệp có bị khống chế lợi nhuận?

Chính phủ ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở giá thấp nhưng sẽ không khống chế lợi nhuận của chủ đầu tư, nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, ở Hà Nội có nhiều dự án có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, nhưng vẫn ế, theo ông đâu là nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này?

Tình trạng này có và đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều dự án trước đây doanh nghiệp xây dựng theo phong trào, xây tại những khu vực xa trung tâm nhưng không có hạ tầng dịch vụ kèm theo. Vì vậy, tình trạng "ế hàng" là điều dễ hiểu.

Chính vì vậy, khi làm nhà ở giá thấp doanh nghiệp phải tính toán, giá thấp nhưng giao thông, kết nối phải thuận tiện, hạ tầng phải đầy đủ để thu hút người dân về ở.

Để tạo nguồn cung cho nhà ở giá thấp tại khu vực trung tâm, Bộ Xây dựng có phương án gì thưa ông?

Hiện nay chúng ta đang quy định, dự án BĐS phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Tới đây, để tạo quỹ đất cho doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ chúng tôi đang kiến nghị dự án phải dành thêm 30% quỹ đất cho nhà ở giá rẻ. Như vậy, tổng quỹ đất cho nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hôi tại mỗi dự án lên đến 50%.

Ngoài ra, hiện nay khó khăn nhất trong việc triển khai dự án của các doanh nghiệp là giải phóng mặt bằng. Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị Chính phủ có cơ chế giải phóng mặt bằng sẵn cho doanh nghiệp, rút ngắn thủ tục, chỉ định thầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án nhà ở giá thấp.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thanh Ngà

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên