Bộ Xây dựng lên tiếng về đất 'vàng', đất công bỏ hoang
Hàng trăm khu đất công ở TPHCM đang bị các doanh nghiệp “xẻ thịt” cho thuê kiếm lời hàng tỷ đồng, số còn lại bỏ hoang và sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí.
- 25-05-2018Bán chỉ định nhà, đất công giá rẻ bèo
- 22-05-2018Khuất tất chuyện giá cho thuê đất công nghiệp “rẻ như cho” tại Đồng Nai
- 21-05-2018Đất công đang “chảy máu”
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức, trả lời câu hỏi của báo chí về giải pháp xử lý tình trạng nhiều khu đất 'vàng', đất công bỏ hoang ở các khu đô thị, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS cho biết, các khu đất 'vàng', đất công được xử lý theo Quyết định 09/2007 của Chính phủ và Nghị định 67/2017 về quản lý tài sản công.
"Về nguyên tắc, những quỹ đất dôi dư, sử dụng không đúng mục đích sẽ phải đấu giá, thu hồi về ngân sách", ông Ninh nói.
Theo ông Ninh, việc xử lý này được chia làm nhiều cấp, những dự án thuộc Bộ ngành Trung ương thì có Ban chỉ đạo do Bộ Tài chính phụ trách và các Bộ ngành tham gia. Còn ở địa phương do Sở Tài chính chủ trì, rà soát các quỹ đất dôi dư, cái nào dư thừa, bỏ hoang không sử dụng đến thì được tổ chức bán đấu giá.
“Nếu tiền bán quỹ đất dôi dư từ 100 tỷ đồng trở lên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn nếu dưới 100 tỷ đối với đất vàng ở Trung ương thì do Bộ Tài chính phê duyệt, Bộ Xây dựng cũng là thành viên tham gia xử lý đất này. Chủ trương chung là phải đánh giá từng dự án, xem việc đấu giá có đúng quy trình thủ tục hay không và quy trình xử lý quỹ đất đó có đúng với quy định, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hay không” ông Ninh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS nói về tình trạng đất 'vàng', đất công bỏ hoang hiện nay.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ này Xây dựng chủ trì xây dựng đề án đánh giá tình hình thị trường BĐS, dự báo diễn biến và đề xuất các giải pháp cho thị trường.
Theo vị đại diện, thị trường BĐS cả nước những tháng đầu năm 2018 vẫn duy trì mức độ phát triển ổn định. Thị trường BĐS tháng 4 có biến động nhẹ; lượng giao dịch giảm so với tháng 3/2018, giá cả ít biến động so với tháng liền kề.
Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư, một số sàn giao dịch BĐS: Tại Hà Nội trong tháng 4/2018 có khoảng 1.250 số sàn giao dịch bất động sản, giảm khoảng 3,8 % so với tháng trước; 4 tháng đầu năm 2018 có 5.250 giao dịch thành công. Tại TPHCM, trong tháng 4/2018 có khoảng 1.4450 giao dịch thành công, giảm khoảng 6,5% so với tháng 3/2018; 4 tháng đầu năm 2018 có 6.000 giao dịch thành công.
Tiền phong