Bộ Xây dựng lên tiếng về quy hoạch Đà Lạt
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời câu hỏi của PLO về kiến nghị của gần 80 kiến trúc sư gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng liên quan đến quy hoạch khu trung tâm Hoà Bình – TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng tỉnh Lâm Đồng cần lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các chuyên gia trước khi triển khai quy hoạch trên…
Trước kiến nghị của gần 80 kiến trúc sư, Bộ Xây dựng cho biết, hiện Vụ quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) đang làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng để yêu cầu báo cáo và có thông tin đầy đủ liên quan đến hồ sơ đồ án và quá trình lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt. “Sau khi có đầy đủ tài liệu và thông tin, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến chính thức” – văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc chỉnh trang, xây dựng lại Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt cho khang trang, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân là cần thiết. “Nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn các giá trị văn hóa, di sản gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Đà Lạt, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng riêng của Thành phố” – Bộ Xây dựng nêu quan điểm.
Theo Bộ Xây dựng, Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 Khu vực Trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12-2-2019 theo thẩm quyền quy định của pháp luật hiện hành về Quy hoạch đô thị (Luật Quy hoạch đô thị 2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7-4-2010 của Chính phủ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành).
Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản Hòa Bình . Ảnh: BÍNH AN
Theo đó, Quy hoạch phải đảm bảo các yêu cầu về công khai, minh bạch, kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng; cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm…
“Đồng thời, quá trình lập đồ án quy hoạch, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt” – văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, để đáp ứng được mong muốn của người dân và các chuyên gia thì trước mắt UBND tỉnh Lâm Đồng cần tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, di sản văn hóa cũng như đại diện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí để giải trình, tiếp thu các ý kiến nhằm rà soát, đánh giá tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa khi triển khai thực hiện Quy hoạch này; đồng thời, đảm bảo mục tiêu xây dựng và phát triển Đà Lạt văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, giữ gìn các giá trị văn hóa, di sản gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Đà Lạt, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng riêng của Thành phố.
Trước đó vào ngày 15-4, Hội kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN) cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng để đóng góp ý kiến chuyên môn về quy hoạch khu trung tâm Hoà Bình – TP Đà Lạt. Hội KTSVN đề nghị Lâm Đồng khi làm quy hoạch cần chú trọng cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, không làm mất đi giá trị kiến trúc, cảnh quan đặc thù của Đà Lạt… Đáng chú ý Hội KTSVN cho ý kiến về một số nội dung của Quy hoạch trên không phù hợp, làm ảnh hưởng đến giá trị kiến trúc, văn hoá của khu vực này. Cụ thể, đối với khu vực Đồi Dinh nên bảo tồn kiến trúc cũ theo hướng xanh hoá, không nên xây khách sạn quy mô lớn tại đây; Đối với khu rạp Hoà Bình, cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản này trong công trình mới. Công trình mới nên có quy mô vừa phải, tỷ lệ phù hợp với cảnh quan và chú trọng mới liên kết với chợ Đà Lạt…; Về tầm nhìn cảnh quan cần lưu ý tính chất chuyển tiếp hài hoà giữa các công trình mới và cũ….
Gần 80 kiến trúc sư kiến nghị xem lại quy hoạch Đà Lạt
Trước đó, gần 80 KTS cả nước đã gửi bản kiến nghị đến Bộ Xây dựng, HĐND tỉnh Lâm Đồng, Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội KTS Việt Nam… kiến nghị xem lại quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt. Các KTS cho rằng đồ án quy hoạch không phù hợp với cảnh quan và vị thế của Đà Lạt trong lịch sử đô thị Việt Nam; việc ban hành quyết định chưa tường minh. Đặc biệt về mặt kiến trúc, các KTS đã kiến nghị xem lại ba quyết định trong đồ án sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến di sản của Đà Lạt gồm khu vực dinh tỉnh trưởng, khu Hòa Bình và khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh