Bộ Xây dựng muốn cắt bỏ 40% điều kiện kinh doanh
Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng một "siêu Nghị định", theo đó sẽ bãi bỏ 41,3% tổng số điều kiện kinh doanh (ĐKKD), đơn giản hóa 43,7% ĐKKD và giữ nguyên 15% ĐKKD.
Chủ tọa hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Hương Sáng 13/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Hội thảo là cơ hội để các DN, hiệp hội, ngành nghề cùng các chuyên gia đóng góp ý kiến cho Ban soạn thảo hoàn thiện các quy định luật theo hướng khả thi, sát thực tiễn.
Dùng 1 luật sửa 4 luật
Hiện tại Bộ Xây dựng đang chuẩn bị đề xuất chính sách sửa đổi các luật trong lĩnh vực xây dựng, gồm Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của DN. Bộ cũng đang soạn Dự thảo Nghị định nhằm cắt bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cùng nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực Bộ quản lý.
Tại hội thảo, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) thay mặt Ban soạn thảo trình bày những thay đổi căn bản về nội dung Dự án Luật và Nghị định trên.
Theo bà Hạnh, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là các đạo luật quan trọng điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng; quy hoạch xây dựng; phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản… góp phần tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi cho DN, người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 4 luật trên và các luật về đầu tư, kinh doanh cũng bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn như: Thời gian thực hiện thủ tục giấy phép còn dài, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với một số đối tượng công trình còn chưa phù hợp…
Bên cạnh đó, thời gian qua, các Nghị quyết của Chính phủ đều nhấn mạnh việc rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các ĐKKD không cần thiết, không phù hợp; rà soát, chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Một số luật mới ban hành (Luật Quy hoạch, Luật số 03/2016/QH14…) đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Vì vậy, “việc sửa đổi, bổ sung 4 luật là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, đại diện Bộ Xây dựng cho biết.
Bà Hạnh cho hay, ngoài 4 luật do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, Bộ còn đề xuất sửa đổi luật do bộ khác chủ trì như Luật Đấu thầu, Luật Quảng cáo, Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 25 điều của Luật Xây dựng; sửa đổi, bổ sung 5 điều Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản được sửa đổi, bổ sung 3 điều; Luật Quy hoạch đô thị sửa đổi, bổ sung 7 điều.
Luật Đấu thầu sửa đổi, bổ sung 1 điều; Luật số 03/2016/QH14 được bãi bỏ 4 mục tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và bãi bỏ 1 điều của Luật Quảng cáo.
Cụ thể, với Luật Xây dựng, Bộ đề xuất sửa đổi tập trung các vấn đề như: Mở rộng đối tượng công trình miễn giấy phép xây dựng, cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây; giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày…
Quy định trong Luật Nhà ở được đề xuất bổ sung việc sử dụng các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở được chỉ định chủ đầu tư; bổ sung trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; bãi bỏ quy định Bộ Xây dựng công nhận cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư…
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện mục tiêu đơn giản hóa ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng, Bộ đề xuất bãi bỏ các yêu cầu về chứng chỉ hành nghề và các điều kiện ban đầu khác để tạo thuận lợi cho người dân, DN như: Bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với một số cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; bỏ điều kiện sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động; bỏ quy định điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng…
Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ trình dự thảo luật lên Chính phủ vào tháng 3/2018. Lần lượt trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua và tháng 5 và tháng 10/2018. Thời gian dự kiến có hiệu lực là ngày 1/1/2019.
Đề xuất bãi bỏ 41,3% ĐKKD
Nhằm tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng giảm bớt ĐKKD, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời với việc thực hiện dự án luật sửa đổi 4 luật, Bộ Xây dựng cũng bắt tay xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về ĐKKD thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Trong đó, Bộ đề xuất bãi bỏ 6 ngành nghề: Kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa tang; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh sản phẩm amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine.
Sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, tạm thời Bộ chưa đề xuất bãi bỏ 2 ngành nghề: Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư và Kinh doanh sản phẩm amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine.
Theo Nghị định này, Bộ sẽ bãi bỏ 41,3% tổng số ĐKKD, đơn giản hóa 43,7% ĐKKD và giữ nguyên 15% ĐKKD.
Các ĐKKD sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm thời gian, thu hẹp lĩnh vực phải cấp chứng chỉ hành nghề, giản lược các yêu cầu về năng lực, hệ thống quản lý, quy mô DN… để tạo điều kiện cho DN.
Thu Hương