Bộ Xây dựng nói về bảo đảm an toàn tính mạng dân ở chung cư
Bộ Xây dựng cho biết pháp luật đã quy định đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân trong việc bảo hành, sửa chữa, thay thế các thiết bị thuộc phần sở hữu chung: Thang máy, phòng cháy, chữa cháy
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hiện nay hầu hết các chung cư tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội nhiều thiết bị dùng chung, mà điển hình là thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy… thường xuyên hỏng hóc, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, thậm chí không có và không hoạt động.
Theo đại biểu, đây là những mối hiểm họa luôn rình rập, đe dọa tính mạng và tài sản của cư dân. Nguyên nhân là do kinh phí bảo trì, sửa chữa thay thế… không có, hoặc không đủ để giải quyết những tồn tại hiện hữu này.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng về vấn đề này? Giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân?".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Điều 85 của Luật Nhà ở 2014 đã có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị phải thực hiện bảo hành đối với thiết bị nhà ở, trong đó có thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy….
Điều 107 của Luật Nhà ở 2014 quy định chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 108 của Luật này.
Tại Điều 108 của Luật Nhà ở 2014 đã có quy định cụ thể về mức đóng (2% giá trị căn hộ), thời điểm đóng (khi nhận bàn giao nhà ở), trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung (là trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà chung cư trong đó có chủ sở hữu nhà chung cư tái định cư).
Đồng thời, trường hợp nếu không đủ kinh phí để thực hiện bảo trì thì các chủ sở hữu này có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu để thực hiện bảo trì.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, chủ sở hữu nhà ở tái định cư là nhà chung cư phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Chủ sở hữu phải đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư và các chi phí sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ.
Tại Điều 34 của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15-2-2016 của Bộ Xây dựng đã quy định về các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện bảo trì trong đó có thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Các quy định pháp luật nêu trên đã quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở trong việc bảo hành, sửa chữa, thay thế các thiết bị thuộc phần sở hữu chung: Thang máy, phòng cháy, chữa cháy… trong thời hạn bảo hành.
Đối với việc đóng kinh phí bảo trì, bao gồm đóng góp lần đầu, đóng góp bổ sung trong trường hợp kinh phí bảo trì đã đóng không đủ để thực hiện bảo trì thì pháp luật nhà ở cũng quy định rõ trách nhiệm đóng góp này là thuộc trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà chung cư, trong đó có chủ sở hữu nhà chung cư tái định cư...
Người lao động