Bộ Xây dựng trả lời về vụ thanh tra bị bắt tại Vĩnh Phúc, Alibaba lừa đảo
Tại cuộc họp báo quý 3/2019 của Bộ Xây dựng, ông Lê Văn Lãng, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, liên quan việc cán bộ thanh tra bị bắt ở Vĩnh Phúc, hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TW) đang xem xét kỷ luật tập thể trong vụ cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt tại Vĩnh Phúc.
- 30-09-2019Vụ địa ốc Alibaba: 'Trách nhiệm chính của địa phương'
- 30-09-2019Xác định danh tính hàng chục người "dính" đến vụ lừa đảo tại Alibaba
- 30-09-2019Hơn 900 đơn tố cáo địa ốc Alibaba, “mất bò mới lo làm chuồng”!
Ông Lãng cho rằng, sai phạm của đoàn thanh tra là có. Còn việc xác định tội danh chính thức thì cơ quan công an chưa công bố. Khi được hỏi “tại sao Bộ Xây dựng lại bố trí đoàn thanh tra có 2 chị em ruột (Nguyễn Thị Kim Anh- trưởng đoàn; Nguyễn Thị Kim Liên, thành viên)”, ông Lãng cho biết, pháp luật cũng không cấm điều này. Hiện tại, Thanh tra Bộ Xây dựng mới đang xử lý kỷ luật vụ việc liên quan cơ quan điều tra. Theo đó, cơ quan điều tra yêu cầu đình chỉ sinh hoạt Đảng để công an thực hiện theo luật tố tụng, đình chỉ chức vụ để xử lý theo đúng quy định.
Vị này thông tin, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chủ động làm việc cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phúc. Do đoàn thanh tra cũ chưa kết thúc việc thanh tra thì xảy ra vụ việc nên Bộ Xây dựng đã thành lập thanh tra thứ hai theo quy định. Đến nay, đoàn thanh tra thứ 2 cũng đã kết thúc việc thanh tra tại Vĩnh Phúc. Khi được hỏi “khi nào công bố kết luận thanh tra của đoàn thứ hai tại Vĩnh Phúc?”, ông Lãng cho biết, tính chất của vụ việc phức tạp và “hứa” sẽ công bố trong thời gian tới.
“Quyết định công bố công khai các đối tượng có liên quan đến kết luận chọn một trong những hình thức như công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, công bố tại trụ sở nơi thanh tra trong vòng 15 ngày liên tiếp, hình thức tại hội nghị”, ông Lãng nói.
Bộ Xây dựng trách nhiệm gì trong vụ Alibaba?
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhận được câu hỏi về trách nhiệm quản lý ngành khi để vụ việc Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo 6.700 người, và hơn 2.500 tỷ đồng tại 40 dự án.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho hay: Bộ Xây dựng đã làm đúng chức trách trong việc cảnh báo cũng như đề nghị UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý để bảo đảm ổn định thị trường bất động sản, trong đó có TPHCM và các tỉnh có dự án “ma” của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.
Theo ông Ninh, hồi tháng 6, cơ quan này gửi văn bản tới các tỉnh, nói về dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản tại một số địa phương. Bộ dẫn chứng tình trạng doanh nghiệp chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và kinh doanh bất động sản trái quy định. Có dự án được phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Đặc biệt, tại nhiều dự án đã có giao dịch, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý.
Cũng theo ông Ninh, để triển khai một dự án, các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục liên quan tuân theo Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... Bởi vậy, việc phê duyệt dự án có rất nhiều ngành tham gia, không riêng ngành xây dựng.
Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản quy định: Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành địa phương để thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh trách nhiệm chính trong việc thanh, kiểm tra dự án, xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng, cho phép chuyển nhượng... là UBND các tỉnh, thành. Riêng các dự án của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, theo ông Ninh là vi phạm quy định ở tất cả các khâu trong triển khai một dự án bất động sản.
Tiền phong