Bộ Y tế: Chưa vội kết luận cá an toàn
Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, kể cả khi môi trường biển đã được khôi phục, vẫn phải theo dõi thủy hải sản đến khi nào có kết quả quan trắc đầy đủ, Bộ Y tế mới công bố cá đã ăn được chưa.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Nguyễn Thanh Phong khẳng định, tháng 4-5 vừa qua, chủ yếu các mẫu xét nghiệm lấy ở vùng đánh bắt xa bờ. Toàn bộ kết quả đã chuyển Bộ TN&MT công bố để làm căn cứ kết luận thủ phạm.
Còn các mẫu sau này được lấy cả trong và ngoài khơi để làm quan trắc môi trường và đánh giá xem cá ăn được chưa.
Về diện và lượng đều được mở rộng, lấy tại tất cả cảng cá và cả hải sản nuôi.
"Thủ tướng giao Bộ Y tế trả lời người dân khi nào cá ăn được trên tổng thể chứ không phải xa hay gần nên phải có đánh giá toàn diện hơn, không thể trả lời vội vàng. Bộ Y tế vẫn đang thành lập cả hội đồng khoa học và dự kiến đầu tháng 9 sẽ công bố giai đoạn 1", ông Phong nói
Vừa qua, Bộ TN&MT đã công bố nước biển tại 4 tỉnh miền Trung "đạt chuẩn" để tắm và nuôi trồng thủy sản. Điều này có mâu thuẫn không, vì nếu đã nuôi trồng thủy sản được thì hải sản tại đó đồng nghĩa ăn được?
Về môi trường đã có Bộ TN&MT, còn chúng tôi trả lời về an toàn thủy, hải sản.
Phải khẳng định lại, kể cả môi trường biển đã được khôi phục thì vẫn phải theo dõi chất lượng thủy, hải sản đến khi nào có kết quả quan trắc đầy đủ có tính đại diện, trả lời một cách khoa học với ưu tiên số 1 là sức khỏe người dân như Chính phủ chỉ đạo thì Bộ Y tế sẽ công bố.
Môi trường đã được khẳng định an toàn nhưng chúng tôi vẫn phải giám sát tiếp. Điều này là nguyên tắc đương nhiên.
Trong đó, điều kiện để công bố các mẫu hải sản an toàn khi các mẫu nằm trong quy chuẩn đã có quy định.
Phenol và cyanua không phải chỉ số đánh giá ATTP
Kết quả xét nghiệm các mẫu cá, ghẹ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình do Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia kiểm nghiệm vừa qua cho thấy hàm lượng phenol và cyanua rất cao, có mẫu đến 67mg/kg trong khi ngưỡng dung nạp an toàn chỉ là 0,18mcg/kg thể trọng, tức một người 50kg chỉ cần ăn trên 0,134g cá/ngày là đã vượt ngưỡng?
Để kết luận thủy, hải sản an toàn, chúng ta phải căn cứ vào các chỉ tiêu hiện đang có. Với cyanua và phenol trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có quy chuẩn.
Bộ Y tế đã 4 lần họp với các tổ chức quốc tế như WHO, FAO đề nghị giúp Việt Nam cung cấp các quy định về phenol và cyanua trong thực phẩm nhưng họ đều khẳng định thế giới chưa có. Do đó 2 chất này chỉ dùng tham khảo cùng với Bộ TN&MT đánh giá quan trắc về mặt môi trường, không phải chỉ số chốt lại để đánh giá về an toàn thực phẩm.
Về nguyên tắc, đã là vùng biển có sự cố, khi chưa được khắc phục triệt để thì không nên sử dụng hải sản ở đó. Giống như một cơ sở không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì những thực phẩm làm ra từ đó sẽ được khuyến cáo không nên dùng.
Vậy với một mẫu hải sản có hàm lượng kim loại cadimi an toàn nhưng hàm lượng cyanua và phenol cao thì có được coi là an toàn không, vì như ông nói 2 chất này chỉ để tham khảo đánh giá về môi trường nước?
2 cái phối hợp tổng thể rất chặt chẽ với nhau chứ không phải chỉ dựa vào 1 chỉ số. Tôi trả lời về mặt an toàn thực phẩm, để trả lời bao giờ cá ăn được thì phải theo dõi tiếp, phải có đánh giá tổng thể hơn.
Hiện cyanua và phenol trong thực phẩm chưa có ngưỡng an toàn nhưng lại có quy định về ngưỡng dung nạp? Vậy với hàm lượng 67mg/kg thì có nguy hại không, thưa ông?
Đây là nghiên cứu của Viện Nghiên cứu về ung thư của EU. Còn với hàm lượng 67mg/kg có nguy hại không thì chưa thể khẳng định được.
Cũng phải nói thêm, các kết quả nghiên cứu của thế giới hiện nay còn rất nhiều tranh cãi nên họ chưa cho chỉ số đó vào.
Trong các lần lấy mẫu, có khi nào ghi nhận hàm lượng cyanua với phenol cao như trong đợt vừa rồi không?
Các kết quả thu được không đồng nhất, có mẫu gần như không phát hiện nhưng có mẫu cao. Cùng 1 tỉnh nhưng có chỗ không phát hiện, chỗ lại cao.
Trong 4 tỉnh thì chất lượng hải sản ở vùng nào đáng lo nhất, thưa ông?
Giờ chúng tôi chưa bình luận cái đó.
Vietnamnet