Bộ Y tế đề xuất tạm dừng thông báo số ca Covid-19 mỗi ngày
Theo Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.
- 05-03-2022F0 tăng cao, Hà Nội thêm 252 xã, phường thành 'vùng cam'
- 04-03-2022KHẨN: 1 tỉnh cho học sinh nghỉ học trực tiếp từ TUẦN SAU khi số ca F0 tăng mạnh
- 03-03-2022CẬP NHẬT: Hơn 25 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học trực tiếp vì F0 tăng nhanh
Bộ Y tế ngày 5/3 cho biết, hiện nay toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Từ đó, Bộ xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang. Theo Bộ, số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng xin ý kiến Ban Chỉ đạo điều chỉnh về cách ly y tế và biện pháp phòng tránh lây nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất giảm thời gian cách ly y tế đối với người nhập cảnh, các trường hợp F1 nhưng tăng cường khuyến cáo thực hiện biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Bộ cũng kiến nghị cho các F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly.
Để đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc kháng virus điều trị Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao những ngày gần đây, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Y tế cũng đề xuất cụ thể những điều kiện cấp phát thuốc miễn phí hay người dân tự chi trả.
Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 5/3 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để có phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, vaccine hiện vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do đó, Bộ vẫn đặt công tác tiêm chủng lên ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đánh giá khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron, ông khuyến cáo người dân phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Y tế nhận định, thời gian qua, cả nước đã cơ bản chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Mặc dù số ca mắc tăng nhanh, nhưng giảm 3 tiêu chí gồm nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng.
"Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị Covid-19 như điều trị bệnh nhân thông thường", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Trước đó, trong phiên họp thường kỳ tháng 2, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế đánh giá tình hình và nghiên cứu để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Về các biện pháp trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine phòng Covid-19 trong tháng 3 này; ưu tiên quản lý nhóm nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, điều trị tại nhà.
"Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K, vaccine, thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp. Nhất là thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.
Doanh nghiệp và tiếp thị