"Bốc quẻ" cho tỷ giá
Đến thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối quốc gia đã đạt mức 60 tỷ USD...
- 08-03-2018Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia: Tỷ giá năm nay sẽ tăng khoảng 1,5-2%
- 28-02-2018Tỷ giá “leo thang”, có lo lạm phát tăng tốc?
- 28-02-2018Lãi suất, tỷ giá USD/VND và những biến số thời gian tới
Theo một nguồn tin cấp vụ từ Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối quốc gia đã ở mức xấp xỉ 60 tỷ USD. Một lượng lớn tiền đồng được bơm ra nhưng lại có các công cụ khác nhịp nhàng hút về. Vấn đề ở đây là việc giải ngân đầu tư công để tránh áp lực lên lạm phát.
Theo phân tích của ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2018, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi trong vấn đề điều hành tỷ giá.
Dẫn chứng về dòng vốn ngoại, báo cáo 2 tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: "Từ đầu năm 2018, mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán chính thức ở mức cao, đạt xấp xỉ 573 triệu USD (trong đó 542 triệu USD cổ phiếu và 31 triệu USD trái phiếu). Trong tháng 2, khối ngoại tiếp tục mua ròng 151 triệu USD trong đó mua ròng 154 triệu USD cổ phiếu và bán ròng 3 triệu USD trái phiếu".
Một ví dụ khác liên quan đến cán cân thương mại, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thị trường Ngân hàng Hàng hải Việt Nam ghi nhận: trong tháng 2/2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 25,9 tỷ USD, giảm 35,7% so với tháng 1/2018.
Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 33,7% và trị giá nhập khẩu ước đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,6% so với tháng 1/2018.
Với kết quả ước tính trên, trong 2 tháng đầu năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 66,16 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% và nhập khẩu ước tính đạt 32,54 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
"Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2018 ước tính thặng dư 900 triệu USD; qua đó, nâng mức thặng dư của Việt Nam đến hết tháng 02/2018 đạt 1,08 tỷ USD", báo cáo của trung tâm này viết.
Cùng đó, cập nhật diễn biến trên thị trường, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ giá mua, bán VND/USD (cuối ngày) niêm yết trên website các ngân hàng thương mại giảm 15 VND/USD xuống mức 22.660/22.730 VND/USD.
Gần nhất, báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng Hàng hải Việt Nam cũng ghi nhận: ngày 6/3, Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.458 VND/USD, không thay đổi so với phiên đầu tuần. Tỷ giá bán ra được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.112 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên giao dịch ở mức 22.765 VND/USD, giảm nhẹ 4 đồng so với phiên 5/3. Phiên thứ 3 liên tiếp, tỷ giá tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch quanh mức 22.780 – 22.800 VND/USD.
Theo một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước, từ nửa cuối 2017 đến nay, dòng ngoại tệ từ các kênh thương mại, đầu tư (FDI, FII), kiều hối (năm 2017 kiều hối đạt trên 13 tỷ USD, số liệu của WB) đã bổ sung một lượng ngoại tệ rất lớn cho nền kinh tế.
Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối quốc gia đã đạt mức 60 tỷ USD. Mua vào một lượng ngoại tệ lớn, đồng nghĩa đẩy thêm ra một lượng VND cũng rất lớn. Để tránh áp lực lạm phát, Ngân hàng nhà nước liên tục sử dụng linh hoạt các công cụ bơm hút VND một cách rất nhịp nhàng, không để lượng tiền đồng quá thừa hoặc quá thiếu.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, vấn đề quan trọng là giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả để tránh áp lực lên lạm phát.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp lạm phát duy trì thấp ở mức dưới 5%.
Yếu tố quan trọng để có được kết quả này ngoài việc điều hành chính sách tiền tệ được cho là điểm sáng trong vĩ mô thì bội chi ngân sách nhà nước so với GDP ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm liền (không bao gồm chi trả nợ gốc – Báo cáo tổng quan Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, mặc dù chi ngân sách là một yếu tố thành công nhưng trong đó, chi đầu tư phát triển mà chủ yếu là chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp.
"Lũy kế 11 tháng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 62,4% dự toán, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 67,9% dự toán, vốn trái phiếu chính phủ đạt 17,% dự toán".
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đề cập tình hình phát hành và sử dụng vốn trái phiếu trong năm 2017, đó là: "Năm 2017, Kho bạc Nhà nước chủ động giảm huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước do việc giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn chậm.
Cả năm 2017, Kho bạc huy động được 162.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chính phủ, hoàn thành 88% kế hoạch phát hành năm 2017".
Yếu tố được cho là điểm sáng trong vấn đề trái phiếu của năm ngoái chính là cải thiện về kỳ hạn, các kỳ hạn 10 năm trở lên đã thu hút tỷ lệ trúng thầu trên 80% và cùng đó là lãi suất giảm ở tất cả các kỳ hạn so với 2016.
Nửa cuối 2016 trở lại đây, các chuyên gia đều chung nhận xét là chính sách tiền tệ và tài khoá đã phối hợp nhịp nhàng hơn; trong đó, sự hỗ trợ Chính phủ phát hành trái phiếu, quá trình bơm hút VND được cho là điểm nhấn.
Tuy nhiên, như nói trên, vấn đề phát hành trái phiếu nếu sử dụng không hiệu quả, sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn: Nhà nước phải trả lãi khi phát hành trái phiếu nhưng số tiền thu được lại nằm phí phạm trong kho bạc khi mức độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng.
Vneconomy