Bóc vỏ cây xù xì, hương thơm khắp rừng bán sang Singapore và Israel, thu triệu đô mỗi năm
Từ thứ cây thân to như cột nhà, bóc vỏ thơm khắp rừng, người phụ nữ Lào Cai bán sang 9 nước.
Khởi nghiệp từ vỏ quế
Đó là chị Tạ Thị Hợi, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, trưởng thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà và cũng là giám đốc HTX Tâm Hợi tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Nhận thấy ngày ngày người thân và bà con quê nhà làm lụng vất vả từ công đoạn trồng được cây quế thành phẩm cho tới khi thu hoạch mà giá trị mang lại không không như mong đợi. Hơn nữa, dù cây quế là nguồn tài nguyên thế mạnh của Lào Cai nhưng lại chưa có ưu thế trên thị trường.
Ngoài vỏ quế, các phần còn lại của cây quế cũng mang lại giá trị kinh tế cao, như gỗ quế được dùng làm nhà, làm nguyên liệu giấy, tăm, làm ván ghép sàn xuất khẩu; cành, lá, ngọn, vỏ quế vụn… được bán làm thuốc.
Từ đó, chị Hợi đã dành thời gian và công sức tìm hiểu để nâng cao giá trị kinh tế cho cây quế Lào Cai, đầu tư xây dựng nhà xưởng, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho người dân sinh sống trên quê hương mình.
Nương đồi nào ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) cũng được phủ xanh bởi cây quế.
Năm 2017, chị mạnh dạn thành lập cơ sở thu mua quế Tâm Hợi - ghép từ tên 2 vợ chồng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng sản xuất quế xuất khẩu chị Hợi đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn từ nhà xưởng, quy mô sản xuất, vốn, mẫu mã sản phẩm, chất lượng sản phẩm đầu ra, kết nối thị trường tiêu thụ...
Không nản lòng, chị Hợi đã lặn lội khắp nơi để tìm cách như một số công ty lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh,... nhằm kiếm đầu ra cho cây quế. Đồng thời chị tham gia các khóa tập huấn về ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh, marketing do Hội liên hiệp Phụ nữ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh tổ chức.
Nhờ quyết tâm nâng cao giá trị kinh tế cho cây quế và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sau gần 1 năm những khó khăn bước đầu khởi nghiệp của chị Hợi đã được khắc phục.
Ngoài những công đoạn bắt buộc phải thực hiện thủ công, chị đầu tư thêm hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ quá trình cắt, đóng túi và đóng hộp sản phẩm, để đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, chị cũng thành lập Hợp tác xã Tân Hợi để thuận tiện trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Khi thấy tại địa phương có nhiều nương đồi đang bỏ trống hoặc chỉ canh tác mùa vụ trồng ngô, sắn cho thu nhập thấp, chị đã vận động, khuyến khích bà con chuyển sang trồng quế. Mặt khác, vợ chồng chị Hợi còn chia sẻ cách phát triển kinh tế dựa vào cây quế như trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế quế, tiêu thụ… vừa để chị em phụ nữ không còn phải vất vả đi làm thuê, làm mướn, thậm chí rời quê hương đi nơi khác mưu sinh.
Nhờ vậy chị Hợi vừa giúp bà con tận dụng nguồn đất đai, nhân công lại còn tạo được nguồn nguyên liệu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thu triệu đô mỗi năm nhờ cây quế
HTX của chị Hợi thu mua quế quanh năm cho nông dân, từ lá, cành tới vỏ quế, có những tháng cao điểm cơ sở của chị thu mua cả trăm tấn quế tươi cho người trồng.
Tuy nhiên, hạn chế của hình thức thu mua nguyên liệu này là vẫn còn nhỏ lẻ, mua của từng hộ gia đình trên địa bàn xã, nhiều khi chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng, lại tốn công vận chuyển nhiều lần…
May mắn nhờ một dự án của tổ chức Great tài trợ, thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai đã lựa chọn HTX để hỗ trợ, hợp tác và đồng hành đã khắc phục hoàn toàn hạn chế trên.
Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn sơ chế quế cho các thành viên, ký kết các thỏa thuận thu mua giữa HTX với các tổ hợp tác, dự án còn hỗ trợ bàn sơ chế, quạt, bạt… nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người lao động, tăng chất lượng sản phẩm, cải thiện nhà xưởng cho HTX.
Lô hàng quế của HTX Tâm Hợi chuẩn bị được xuất khẩu.
Đặc biệt, dự án còn hỗ trợ nâng cao năng lực về nghiên cứu thị trường và kỹ năng marketing thông qua tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng các công cụ quảng bá sản phẩm (logo, facebook, website, thiết kế bao bì) cho HTX để mẫu mã sản phẩm của HTX đẹp, ưa nhìn, thu hút sự quan tâm của các khách hàng khó tính trên thế giới.
Từ đó, các sản phẩm quế bột, quế chẻ, quế sáo thanh, quế sáo vụn, quế ép kiện… được các khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tin dùng.
Kết quả là sau 4 năm hoạt động, sản phẩm của HTX Tâm Hợi được xuất khẩu sang 9 nước: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Dubai, Leban, Israel, Thổ nhĩ kỳ.
Trung bình mỗi tháng cơ sở của chị tạo việc làm thường xuyên cho 25-30 lao động địa phương (chủ yếu là lao động nữ), lúc cao điểm lên khoảng 50-70 người với mức lương bình quân khoảng 5 – 7 triệu đồng/tháng, tùy theo sản phẩm người lao động làm ra.
Doanh nghiệp & Tiếp thị