Boeing lỗ gần 2 tỷ USD vì sản xuất chuyên cơ Tổng thống Mỹ
Theo đàm phán ban đầu, giá cố định của 2 chiếc chuyên cơ Air Force One của Boeing sản xuất cho chính phủ Mỹ lên tới 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, khi các loại chi phí liên quan đã tăng vọt, nhà sản xuất máy bay phải chịu khoản lỗ khoảng 2 tỷ USD.
- 15-10-2023Báo Mỹ: Máy bay chở khách mang công nghệ Trung Quốc còn lâu mới có thể trở thành mối đe dọa với Airbus và Boeing
- 12-09-2023Máy bay chở khách “Made in China” đắt như tôm tươi, nhận hơn 1.000 đơn đặt hàng, chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Airbus và Boeing?
- 19-08-2023Động cơ máy bay Boeing 737 “phun ra lửa” giữa không trung, hành khách hoảng loạn
Mới đây, Boeing báo cáo chịu thêm khoản lỗ hơn 480 triệu USD để thay thế 2 chiếc Boeing 747-200B, sản xuất chuyên cơ đời mới phục vụ tổng thống Mỹ. Được biết đến với tên gọi VC-25B, máy bay mới sẽ lớn và tiết kiệm nhiên liệu hơn, cho phép không quân Mỹ tiết kiệm khoảng 1,9 tỷ USD chi phí vận hành và bảo trì trong suốt vòng đời từ 20 - 30 năm.
Nhưng các khó khăn do chi phí phát sinh khiến khoản lỗ của Boeing lên tới hơn 2 tỷ USD kể từ khi việc sản xuất bắt đầu vào năm 2018. Doanh nghiệp phải trì hoãn việc giao hàng đến năm 2026.
Hãng thông tấn CNN tiết lộ, tính đến thời điểm hiện tại mỗi chiếc chuyên cơ khiến nhà sản xuất lỗ hơn 1 tỷ USD.
Năm 2022, David Calhoun - CEO của Boeing - từng công nhận ký hợp đồng với không quân Mỹ để sản xuất hai chiếc chuyên cơ Air Force One với giá 3,9 tỷ USD là một sai lầm.
Trên thực tế, chi phí của các bên cung ứng đã tăng vọt. Dự án này khiến Boeing lỗ 1,45 tỷ USD vào năm ngoái và 318 triệu USD vào năm 2021.
“Air Force One là một dự án đặc biệt nhưng tập hợp nhiều rủi ro mà Boeing không nên gặp phải", David Calhoun phát biểu.
Nhà sản xuất báo cáo nguyên nhân của khoản lỗ mới nhất vẫn bắt nguồn từ việc thay đổi kỹ thuật cùng những khó khăn về lao động và phía nhà cung ứng.
Thông thường, chi phí phát sinh từ các hợp đồng quốc phòng sẽ được chính phủ Mỹ chi trả. Tuy nhiên, hồi năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump gây sức ép bằng cách đe dọa hủy hợp đồng đối với hai chiếc chuyên cơ, khiến Boeing đồng ý chấp nhận mức giá cố định để chế tạo chúng.
Đối thoại với các nhà đầu tư, ông Calhoun giải thích: “Với hợp đồng cố định giá, tất cả chi phí phát sinh đều trở thành khoản lỗ do không thu hồi được".
Để đảm bảo quy định của hợp đồng, Boeing vẫn cần đảm bảo hoàn thành sản xuất hai chiếc máy bay dù gặp nhiều trở ngại.
Đáng chú ý, thiệt hại mới nhất từ việc sản xuất cặp chuyên cơ cho chính phủ Mỹ chỉ là một trong những rắc rối của Boeing. Kể từ đầu năm 2019, chỉ có hai quý duy nhất doanh nghiệp này không báo lỗ.
Cùng với đó, mẫu 737 Max bị cấm bay suốt 20 tháng sau hai vụ tai nạn khiến Boeing chịu khoản thiệt hại 25,5 tỷ USD.
Nhà sản xuất cho biết lỗ từ hoạt động kinh doanh trong quý III năm nay đạt 1,1 tỷ USD, tệ hơn dự báo của các nhà phân tích. Tuy nhiên, công ty đạt được doanh thu cao hơn dự kiến là 18,1 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, nhà sản xuất đang tiến hành tăng sản lượng để phát triển kinh doanh. Boeing sẽ cố gắng xuất xưởng máy bay 737 Max với số lượng lên 38 chiếc/tháng.
Boeing cho biết họ sẽ tăng số lượng máy bay 787 sản xuất trong mỗi tháng lên 5 chiếc. Công ty cũng dự kiến sẽ có dòng tiền dương trong cả năm nay.
Tiền phong