"Bom hẹn giờ" 10 năm cho trái đất
Nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 1,5 độ C trong giai đoạn 2030-2052 và gây ra "thay đổi nhanh chóng, sâu rộng, chưa từng có tiền lệ cho mọi mặt cuộc sống" nếu tình trạng trái đất nóng dần lên vẫn tiếp diễn với tốc độ hiện nay và thế giới không có biện pháp ngăn chặn "nhanh chóng và mang tính bước ngoặt".
- 05-08-2018Điểm danh những đập thủy điện lớn nhất thế giới, nơi tạo ra nguồn điện cho hàng tỷ người trên Trái Đất
- 21-05-2018Có thể bạn sẽ kinh ngạc khi biết Trái đất không phải nơi nhiều nước nhất trong hệ mặt trời
Được công bố hôm 8-10, báo cáo dài 728 trang của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thúc giục các nhà hoạch định chính sách chấm dứt ngay lập tức việc trợ giá nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thiết lập thuế carbon và áp dụng năng lượng tái tạo cũng như công nghệ xanh.
Kênh Al Jazeera dẫn lời ông Gro Harlem Brundtland, quyền Chủ tịch của Tổ chức The Elders (Anh), nhấn mạnh: "Báo cáo này không phải là hồi chuông cảnh tỉnh mà nó là một quả bom hẹn giờ. Các nhà hoạt động về khí hậu đã kêu gọi giới lãnh đạo có trách nhiệm và hành động cấp thiết suốt nhiều thập kỷ qua nhưng chúng ta vẫn ở vạch xuất phát".
Đợt nắng nóng kinh hoàng hoành hành tại Hàn Quốc hồi tháng 8 Ảnh: AP
Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dù vậy, báo cáo chỉ ra sự khác biệt sống còn của con số 0,5 độ C kể trên.
Nếu nhiệt độ tăng 1,5 độ C, mực nước biển vào năm 2100 sẽ thấp hơn 10 cm so với nhiệt độ tăng 2 độ C. Với mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C, khả năng tan băng ở Bắc Băng Dương vào mùa hè sẽ là 1 lần/thế kỷ thay vì ít nhất 1 lần/thập kỷ như mức tăng 2 độ C.
Đối với người dân toàn cầu, việc ngăn nhiệt độ trái đất tăng thêm 0,5 độ C cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ thiếu nước, khan hiếm lương thực và nghèo đói liên quan đến biến đổi khí hậu.
Để kiềm chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C, lượng khí thải CO2 do con người gây ra trên toàn cầu phải giảm khoảng 45% vào năm 2030 và đạt mức "0" vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, năng lượng tái tạo cần chiếm ít nhất 70% sản lượng điện vào năm 2050 so với mức 25% như hiện nay.
Người Lao động