MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bom nổ chậm' trên thị trường bất động sản Trung Quốc

16-08-2022 - 07:15 AM | Bất động sản

Liu Hong và bố mẹ cô sở hữu 4 căn nhà ở 4 thành phố khác nhau của Trung Quốc. Có thời điểm 3 căn nhà đều bị bỏ trống.

Người phụ nữ 36 tuổi làm kiểm toán ở Thượng Hải đã mua một căn hộ ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, từ 13 năm trước, với giá 320.000 tệ (47.500USD). Căn hộ chỉ cách nhà bố mẹ cô vài toà.

“Bố mẹ tôi cho rằng tôi cần có nhà riêng vì họ tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở về sống ở Cáp Nhĩ Tân, hoặc tôi phải tiết kiệm tiền trước khi kết hôn. Cả hai điều đó đều không xảy ra. Sau khi nghỉ hưu, bố mẹ tôi sống với tôi nửa năm ở Thượng Hải, nửa năm ở quê”, Liu kể.

Bom nổ chậm trên thị trường bất động sản Trung Quốc - Ảnh 1.

Theo nhiều nhà phân tích, thị trường bất động sản Trung Quốc hiện mong manh dễ vỡ. Ảnh: Global Times

Liu mua căn hộ 2 phòng ngủ ở Thượng Hải với giá 2,6 triệu tệ năm 2015, khi thị trường đang sôi sục và cô quyết định định cư ở thành phố này. Khi thời tiết ở Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải quá lạnh, trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 4, bố mẹ cô đến Hải Khẩu, thành phố thuộc tỉnh Hải Nam ở miền nam, nơi họ có một căn nhà nghỉ dưỡng nhỏ.

“Không dễ tìm người thuê hoặc mua nhà ở Cáp Nhĩ Tân. Vì thế, chúng tôi cứ để hai căn hộ trống ở đó. Về lý thuyết, riêng gia đình tôi đã có căn 3 nhà trống trong suốt cả năm”, Liu nói.

Chuyện như Liu không phải hiếm gặp. Theo ước tính, hàng chục triệu căn hộ đang bị bỏ trống ở Trung Quốc đại lục. Điều này có thể tạo thêm vấn đề cho thị trường nhà ở vốn đang khủng hoảng của Trung Quốc, vì số lượng nhà bỏ trống có thể kéo giá tụt thêm nữa.

“Trung Quốc không thiếu nhà, vì còn rất nhiều nhà bỏ trống. Tỷ lệ bỏ trống cao như vậy rất rủi ro. Nhà trống cho thấy tiềm năng nguồn cung lớn. Khi kỳ vọng vào thị trường nhà ở tụt giảm, một lượng lớn nhà trống sẽ bị đẩy ra thị trường và càng gây thêm sức ép lên giá cả”, Viện Nghiên cứu Beike (BRI), một tổ chức tư vấn bất động sản ở Trung Quốc, viết trong báo cáo mới nhất.

Tỷ lệ nhà trống trung bình ở Trung Quốc là 12,1%, theo báo cáo của BRI, trong khi tỷ lệ ở Mỹ là 11,1%, Úc 9,8%, Anh 0,9%. Tỷ lệ đó tương đương khoảng 50 triệu nhà không có người ở, theo ước tính của nhà kinh tế học Ren Zeping, công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển. Capital Economics, một hãng nghiên cứu và tư vấn ở London, đưa ra con số cao hơn nhiều.

Năm ngoái, tổ chức này ước tính Trung Quốc có khoảng 30 triệu bất động sản chưa bán được, cộng thêm 100 triệu bất động sản đã được mua nhưng không có người ở.

Đây là những thông tin bất lợi cho Liu và những người như cô. Những người sở hữu nhà trên khắp Trung Quốc có thể khó tìm người mua, khi thập kỷ phát triển bất động sản bùng nổ đã hết động lực.

“Những căn nhà trống là dư âm của giai đoạn phát triển quá nóng từ năm 2016-2018, khi mọi người đổ xô mua nhà để đầu tư”, SunShine, một đại lý bất động sản ở Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây, nhận định. Khoảng 1/5 số nhà ở Nam Xương không có người ở, đưa thành phố này lên vị trí hàng đầu trong 28 thành phố lớn mà BRI khảo sát.

Trở thành gánh nặng

Feng He, giáo viên trung học 26 tuổi, cho biết gia đình cô sở hữu một căn nhà 3 tầng liền kề ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô. Căn nhà được mua bằng khoản tiết kiệm nghỉ hưu của bố mẹ cô và khoản đầu tư của cô bị bỏ không từ năm 2017.

“Tôi cảm thấy an tâm khi mua được nhà. Nếu có bất kỳ vấn đề tài chính nào sau này, tôi có thể bán để lấy tiền”, Feng nói. Là con một, Feng tin rằng cuối cùng cô sẽ sở hữu tất cả 4 ngôi nhà đứng tên bố mẹ cô, kể cả ngôi nhà cao cấp trị giá 4 triệu tệ đang bỏ trống ở Côn Sơn.

Nhiều năm qua, những người như Liu và Feng tin rằng việc họ mua thêm nhà ở đâu hay lúc nào đều không gây hại gì, dù việc đó không hề cấp bách. Tuy nhiên, thời kỳ bong bóng đã qua. Những ngôi nhà bỏ trống không còn khiến gia chủ cảm thấy may mắn.

Gia đình Liu đang cố bán một trong những căn nhà trống, nhưng chưa tìm được ai. “Căn hộ cũ của chúng tôi ở Hắc Long Giang không được ai hỏi đến từ đầu năm đến nay”, Liu kể.

Ít nhất 21 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ trong năm 2021, đáng chú ý nhất là tập đoàn Evergrande. Từ tháng trước, hàng ngàn người mua nhà đã tham gia phong trào tẩy chay đóng tiền đặt cọc.

Niềm tin vào ngành này trở nên mỏng manh vì các biện pháp cứu trợ mà chính phủ Trung Quốc đưa ra vẫn chưa rõ ràng, dù lời hứa ổn định thị trường bất động sản được đưa ra hết lần này đến lần khác.

“Tôi lo rằng những căn nhà trống sẽ trở thành gánh nặng nếu chúng tôi không bán được mà vẫn phải chi tiền đóng thuế và bảo dưỡng”, Liu nói.

Hãng xếp hạng S&P Global Ratings nhận định, doanh thu bán nhà ở Trung Quốc đại lục sẽ giảm 1/3 so với năm ngoái, xuống còn khoảng 12.000 tỷ tệ trong năm nay, trong khi giá nhà trung bình giảm 7%.

Theo South China Morning Post

Theo Bình Giang

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên