Bơm nước bẩn cho người dùng Thủ đô: Trách nhiệm của Viwasupco thế nào?
Liên quan vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sạch sông Ðà, chiều 17/10, thiếu tá Nguyễn Hữu Ðức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, cơ quan CSÐT đã ra quyết định khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.
- 17-10-2019Phó GĐ nước sạch sông Đà: Chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất
- 17-10-2019Nhiều quận nội thành được cấp nước sạch sông Đà trở lại
- 16-10-2019Dân Hà Nội xuyên đêm xếp hàng lấy nước sạch sau vụ nước sông Đà nhiễm dầu
3 nguồn nước khác nhau chảy vào nhà máy
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của PV Tiền phong về đảm bảo an ninh nguồn nước tại Nhà máy nước sạch sông Đà, ông Trần Hiếu Phương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh Hòa Bình đã cắm mốc ven hồ giao cho công ty thủy lợi phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý, khai thác nguồn nước, đảm bảo nguồn nước. “Sau khi mặt bằng giao cho Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tiếp quản, thực hiện dự án, họ phải có trách nhiệm đảm bảo nước an toàn rồi mới được phép mang vào sản xuất. Về lâu dài, công ty này phải kiểm soát cả nguồn nước từ các suối đổ về”, ông Phương nói.
Về nguồn nước đang cấp cho nhà máy, cả đại diện Sở TN-MT và Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đều thừa nhận, ngoài nước sông Đà được bơm vào hồ chứa (Đầm Bài), hiện hồ chứa nhà máy còn có các nguồn nước khác chảy vào, gồm nước tại 3 con suối, các khe nước từ các quả đồi và nước tự nhiên khi mưa xuống tại các ruộng, nương.
Để hạn chế nguồn nước bị ô nhiễm, có cần giải pháp đóng kín, tách biệt kênh dẫn nước từ sông Đà vào nhà máy? Ông Trần Hiếu Phương nói, đây là giải pháp địa phương cũng đã nghĩ đến và sắp tới sẽ đề nghị nhà đầu tư thực hiện việc này. Trả lời về nội dung này, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Viwasupco cho rằng, đây là kế hoạch dài hạn. Hiện theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt thì hạng mục hồ Đầm Bài không tách rời khỏi công nghệ xử lý nước nhà máy.
“Công ty đang phối hợp tích cực với cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh nguồn nước. Việc làm kín kênh dẫn nước từ sông Đà mang tính dài hạn. Như chúng ta biết, quy định thẩm định, thẩm tra của cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian”, ông Khoa nói.
Dư chất dầu thải vẫn lơ lửng trong nước đầu nguồn
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho biết, hồ Đầm Bài ban đầu là hồ tưới tiêu cho ba xã gồm: Hợp Thịnh, Phúc Tiến, Phú Minh (huyện Kỳ Sơn). Hồ có tổng diện tích 69ha, lưu vực hồ có bán kính 6 km2, hồ chứa trên 5 triệu m3 nước và đảm bảo nước tưới tiêu cho trên 600ha đất nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, từ khi dự án Nhà máy nước sạch sông Đà triển khai trên địa bàn, hồ Đầm Bài được giao cho nhà đầu tư Viwasupco triển khai làm hồ chứa nước. Ngoài ra, hồ hiện có hơn 3 km kênh dẫn nước từ sông Đà vào.
Về công tác khắc phục sự cố kênh dẫn nước vào nhà máy bị nhiễm dầu thải, ông Trần Hiếu Phương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hòa Bình cho rằng, đến nay đã cơ bản được khắc phục. Hiện toàn bộ khu vực đổ xả dầu thải đã được khử trùng, đất tại vị trí đổ xả đã được đào, gợt lớp bề mặt mang đi xử lý. Tuy nhiên, về chất lượng nước đầu vào nhà máy, ông Phương thông tin, nguồn nước vẫn còn váng dầu bên dưới.
Khi lội xuống suối vẫn ngửi thấy mùi khét. “Một số chỗ còn váng dầu bám vào. Qua kiểm tra, các tổ công tác phát hiện hợp chất phế thải vẫn còn lơ lửng trong nước, bám vào cỏ, rác lớp đáy suối. Do vậy chúng tôi đề nghị, đơn vị quản lý nhà máy là Viwasupco phải tiếp tục xử lý và có giải pháp đảm bảo nguồn nước an toàn”, ông Phương nhấn mạnh.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình thông tin, đến nay, khối lượng thu gom được khoảng 100 lít nước có dính dầu thải; 7 bao tải chất rắn (khoảng 60kg) có dính dầu, được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy. Tuy nhiên, đại diện Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình lưu ý, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom, xử lý cát nhiễm dầu theo đúng quy định.
Chưa có cơ sở xin lỗi dân, chưa nói được về đền bù(?)
Là người đại diện Viwasupco tham dự buổi họp báo, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà là trung tâm chú ý và nhận được nhiều câu hỏi nhất. Khác với tác phong và cử chỉ của đại diện các sở ngành tỉnh Hòa Bình là đứng lên giới thiệu tên - tuổi, phát biểu thì ông Nguyễn Đăng Khoa chỉ ngồi trả lời câu hỏi của chủ tọa cũng như phóng viên. Trước sự việc trên, phóng viên đã đề nghị ông Khoa đứng lên để thuận lợi cho việc ghi hình. Tuy nhiên, tác phong đứng và trả lời của ông Khoa cũng không giống ai - hết ngả nghiêng, rồi lại ngồi xuống khi trả lời PV.
Ông Nguyễn Ðăng Khoa, PGÐ Cty CP Ðầu tư nước sạch sông Ðà ngồi trả lời báo chí chiều 17/10. Ảnh: T.Ð
Đại diện Viwasupco cho rằng, công ty đã áp dụng các biện pháp để đảm bảo chất lượng nước đầu vào đạt tiêu chuẩn. Đơn vị cũng đã thuê Trung tâm Ứng phó sự cố để nạo vét, xử lý chất thải, đặc biệt là dầu để đảm bảo nguồn nước cho nhân dân.
“Chiều qua trong cuộc họp khẩn với UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khẳng định chất lượng nước sông Đà đã đạt tiêu chuẩn. Styren đã dưới chuẩn. Căn cứ kết quả, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công ty nước sạch sông Đà cấp nước lại. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chưa công bố nước đủ tiêu chuẩn để ăn uống”, ông Khoa nói.
Vậy đến bao giờ nước sạch trở lại và người dân có thể sử dụng để ăn, uống? Đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: Đến nay vẫn chưa có kết quả phân tích của cơ quan đại diện thành phố Hà Nội nên công ty khuyến cáo nước chỉ dùng để tắm rửa, vệ sinh theo đúng khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội”. Khi nào có kết luận xét nghiệm chỉ tiêu thì mới có thể khẳng định được; kết luận xét nghiệm ngày 16/10, công ty chưa nhận được. Điều này phụ thuộc vào tiến độ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội. Mong cơ quan báo chí có ý kiến để cơ quan chức năng sớm có kết quả xét nghiệm nước đầu ra”, ông Khoa nói.
Phóng viên đề cập đến trách nhiệm của Viwasupco trong vụ việc và liệu có bồi thường thiệt hại cùng với xin lỗi khách hàng là người dân Hà Nội? Ông Khoa cho rằng, về trách nhiệm thì bản thân Viwasupco cũng là nạn nhân trong vụ việc. Còn bồi thường thiệt hại và xin lỗi người dân, ông Khoa nói, chưa đủ cơ sở để thực hiện việc này. Theo ông Khoa, hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án. “Khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng chúng tôi chưa thể nói trước điều gì. Khi có kết luận rõ ràng, chúng tôi sẽ có những biện pháp cụ thể”, ông Khoa nói.
Về nguồn nước đang cấp cho nhà máy, cả đại diện Sở TN-MT và Sở NN-PTNN tỉnh Hòa Bình đều thừa nhận, ngoài nước sông Ðà được bơm vào hồ chứa (Ðầm Bài), hiện hồ chứa nhà máy còn có các nguồn nước khác chảy vào, gồm nước tại 3 con suối, các khe nước từ các quả đồi và nước tự nhiên khi mưa xuống tại các ruộng, nương.
Tiền Phong