Bơm 'vốn mồi'... để nhà máy sáng đèn
Để nhà máy luôn sáng đèn, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương được hỗ trợ “vốn mồi” đầu tư đổi mới thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh này còn tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để DN giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
- 02-01-2024Đề nghị thanh tra dự án Nhà máy nước thải Yên Xá hơn 16.000 tỷ đồng
- 31-12-2023Tuyên Quang khánh thành Nhà máy thủy điện có vốn trên 1.490 tỷ đồng
- 26-12-2023Ngành công nghiệp mới nổi, miền Bắc có nhà máy đầu tiên đầu tư 600 triệu USD, doanh thu 300 triệu USD/năm
Bơm "vốn mồi"...
Là một trong những DN được hỗ trợ chính sách phát triển bền vững, ông Nguyễn Minh Nhật - Giám đốc Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam chi nhánh Bình Dương cho biết, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu trong nước và thế giới về sản phẩm ván ép uốn cong vẫn rất cao. Sản phẩm này dùng để lắp ráp vào ghế, bàn, tủ và giường… Nắm bắt được nhu cầu thị trường, được hưởng chính sách hỗ trợ từ địa phương, doanh nghiệp này đã thay đổi mô hình sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Cụ thể: Công ty đã chi hơn 700 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng là từ nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư máy chà nhám chổi, máy chà nhám thùng, máy lọng ván cong... giúp cho các công đoạn như chà nhám, cưa cắt thanh gỗ giảm được 50% số lượng nhân công cho mỗi công đoạn, tăng năng suất gấp 10 lần so với trước.
Tương tự, Công ty TNHH MTV TM-SX Việt Liên (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất phân bón với tổng kinh phí hơn 666 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng là từ nguồn hỗ trợ của địa phương. Sau khi thay đổi mô hình, việc sản xuất được cải thiện rõ rệt, giảm đáng kể số lượng nhân công cho mỗi công đoạn. Cùng số lượng lao động, thời điểm chưa đầu tư máy mới, DN chỉ sản xuất khoảng 500 tấn/tháng. Sau khi đầu tư máy, sản lượng tăng lên đạt 2.000 tấn/tháng, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Ông Huỳnh Văn Liên - Giám đốc Công ty TNHH MTV TM - SX Việt Liên cho biết, nắm bắt nhu cầu của thị trường, được tiếp sức bởi chính sách hỗ trợ, Công ty đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư đổi mới dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại. Sản phẩm phân bón của công ty sau khi sản xuất theo công nghệ mới còn có ưu thế là hạn chế những tác động về môi trường, được các đối tác đánh giá cao.
Trong khi đó, ông Lê Minh Sang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết, sau khi đầu tư mới máy móc, thiết bị, HTX Tân Mỹ nâng cao được tỷ lệ tự động hóa, từ đó nâng cao năng lực sản xuất. Việc thay đổi mô hình còn giúp DN giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, ổn định sản xuất.
Theo ông Sang, sau khi nhận được hỗ trợ từ Quỹ khuyến công, HTX Tân Mỹ đã đầu tư hệ thống dây chuyền mới 100%, với tổng chi phí đầu tư hơn 700 triệu đồng, trong đó nguồn phí khuyến công hỗ trợ là 300 triệu đồng. “Trước đây khi chưa đầu tư máy móc, các công đoạn chế biến muối tiêu đều được thực hiện thủ công, khó tránh sai sót, sản phẩm không đồng đều. Sau đầu tư DN khắc phục nhược điểm này, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng từ mẫu mã cho đến chất lượng”, ông Sang cho hay.
Bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển Công nghiệp (Sở Công Thương Bình Dương) cho biết, trong năm 2023, tổng giá trị giải ngân từ chương trình khuyến công của Bình Dương đạt 4,8 tỷ đồng. Chính sách này của tỉnh góp phần giúp DN ổn định sản xuất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhiều địa phương.
Giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Để phát triển bền vững và đi vào chiều sâu, Bình Dương còn đang hỗ trợ tại DN công nghiệp hỗ trợ, đưa công nghiệp của địa phương từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đến nay, công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và DN vốn FDI.
Công ty TNHH Takako Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản có trụ sở nhà máy đặt tại Bình Dương. DN này chuyên sản xuất kinh doanh bơm, mô tơ pít tông thủy lực, cung cấp cho thị trường toàn thế giới. Ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc kỹ thuật Công ty Takakao Việt Nam cho biết, DN đã đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động. Hiện nay, Takakao có thể tự chủ về nguyên liệu.
Ông Hashimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) cho biết, tập đoàn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam, trong đó có Bình Dương để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường một nước láng giềng. Ông đánh giá Bình Dương có môi trường đầu tư hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí của Sharp. Hiện tại, tập đoàn đã có 2 nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) Bình Dương. Tới đây, Sharp mở rộng đầu tư và xây dựng thêm một nhà máy quy mô lớn chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, linh kiện công nghệ cao, điện thoại thông minh, sản xuất đồ điện, điện tử gia dụng, sản phẩm sức khỏe...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, Bình Dương khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử. Để ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tỉnh đã hình thành KCN tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.
HƯƠNG CHI
Tiền phong