MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bong bóng chia sẻ xe đạp vỡ tung năm 2017, Trung Quốc vẫn loay hoay xử lý đống sắt vụn giữa phố

17-09-2020 - 15:26 PM | Tài chính quốc tế

Bùng nổ mạnh mẽ và sụp đổ với tốc độ tương tự, hàng triệu chiếc xe đạp trở thành vấn nạn ở Trung Quốc, nơi người ta vẫn đang loay hoay tìm cách xử lý dù 5 năm đã trôi qua.`

Cuộc đời mới cho những đống "sắt vụn"

Cơn sốt chia sẻ xe đạp bùng lên ở Trung Quốc cách đây 5 năm thu hút hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư cũng như tiền ký quỹ của người sử dụng. Các công ty khởi nghiệp ồ ạt chi tiền cho hàng chục triệu chiếc xe đạp mới trong nỗ lực giành lấy thị phần. Khi sự sụp đổ không thể tránh khỏi xảy ra, hầu hết các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, khiến chính quyền các thành phố phải trả tiền dọn dẹp đống lộn xộn họ để lại.

Yang Tengfei, phó tổng giám đốc của China Recycling Resources Co. – công ty đang làm việc với các đơn vị tái chế, cho biết: "Khi ngành công nghiệp mới được cho là có lợi nhuận, mọi người đều nhảy vào với hy vọng có một phần của miếng bánh. Tuy nhiên, khả năng quản lý kém và dùng tiền đổi lấy tăng trưởng đã để lại một ngành công nghiệp đầy rẫy những vấn đề".

Số lượng khổng lồ những chiếc xe đạp bị bỏ rơi tạo ra một cảnh tượng lộn xộn. Một ước tính của chính phủ cho thấy có 20 triệu xe đạp trong ngành công nghiệp chia sẻ phương tiện này vào năm 2017. Xiaoming chỉ là một trong 60 công ty tham gia ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp đã phá sản. Nó còn 430.000 xe ở hơn 10 thành phố của Trung Quốc. Tân Hoa Xã cho biết, một trong những khu tập kết lớn nhất ở Trung tâm Thượng Hải có 30.000 xe đạp bị vứt bỏ.

Bong bóng chia sẻ xe đạp vỡ tung năm 2017, Trung Quốc vẫn loay hoay xử lý đống sắt vụn giữa phố - Ảnh 1.

Ngày nay, chỉ có 3 thương hiệu chia sẻ xe đạp còn tồn tại ở các thành phố của Trung quốc. China Recycling của Yang đã xử lý khoảng 4 triệu xe đạp chia sẻ kể từ năm 2017 đến nay. Họ chi 10 triệu tệ mỗi tháng để mua xe đạp đã qua sử dụng và các bộ phận của nó để lấy sắt vụn, nhựa và cao su từ chúng.

Thực tế, không ai muốn trả các khoản tiền cho tái chế xe đạp. Các công ty khởi nghiệp đình đám một thời đã phá sản và biến mất. Hầu hết trong số đó cầm luôn cả khoản ký quỹ của khách hàng. Các khoản đầu tư cũng mất trắng.

Theo Chính quyền Hàng Châu, chi phí loại bỏ mỗi chiếc xe đạp chia sẻ bị vứt trên phố là 1,4 USD. Nửa thập kỷ sau khi bùng nổ, những chiếc xe đạp vẫn nằm rải rác ven sông, các khu vực cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, các quy tắc an toàn yêu cầu những doanh nghiệp còn hoạt động cũng phải thay thế xe sau vài năm.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự hồi sinh bất ngờ của ngành chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc trong bối cảnh người dân vẫn e ngại các phương tiện giao thông công cộng. Các công ty còn lại tuyên bố họ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về vòng đời của sản phẩm. Khi loại bỏ những chiếc xe cũ, người ta cũng tìm ra những cách khác nhau để tái chế.

Mobike và YUUE phát hiện ra rằng khung và bộ phận tháo rời của những chiếc xe đạp có thể tạo thành những chiếc ghế và đèn độc đáo. Mobike cũng biến 7.800 chiếc lốp xe cũ thành mặt đường cho một đường chạy ở tỉnh Thiểm Tây. Một nhà từ thiện người Myanmar đã mua những chiếc xe đạp qua sử dụng của Ofo của Trung Quốc và Obike của Singapore để tặng chúng cho học sinh ở quê nhà, giúp các em có phương tiện tới lớp. Hellobike, một công ty chia sẻ xe đạp khác, đã sử dụng lốp xe cũ để làm nhà cho những chú mèo hoang.

Nhìn lại một ý tưởng khởi nghiệp sai lầm

Câu nói "bạo phát thì bạo tàn" có lẽ không thể phù hợp hơn khi nói về ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc. Bùng lên như vũ bão nhưng lụi tàn với tốc độ tương tự, kéo theo hàng tỷ USD của các nhà đầu tư và tiền ký quỹ của người sử dụng.

Trong quá khứ, xe đạp từng là một phần sống còn của nền kinh tế Trung Quốc. Nó từng là thứ tài sản mà người ta cần phải có nếu muốn xây dựng gia đình, giống như có một căn hộ ở thời điểm hiện tại. Phải tới giai đoạn 1995-2002, xe đạp mới được giảm thiểu ở Trung Quốc để kích thích các ngành công nghiệp khác cũng như tạo đất cho phương tiện công cộng phát triển.

Dịch SARS năm 2003 thổi bùng khao khát sở hữu xe ô tô riêng của người Trung Quốc bởi nguy cơ lây bệnh trên các phương tiện công cộng là hiện hữu. Ngày nay, ô tô đã trở thành phương tiện giao thông phổ biến ở Trung Quốc. Cùng với đó là tình trạng ách tắc.

Người ta tạo ra các ứng dụng chia sẻ xe đạp để giảm thiểu tình trạng ách tắc của thành phố. Với các khoản đầu tư không tiếc tay, lúc đỉnh điểm, có tới 20 triệu xe đạp được sắm mới để đáp ứng ngành công nghiệp mới này. Tuy nhiên, xe đạp không thực sự giải được bài toán ách tắc giao thông. Ngược lại, sự sụp đổ của các startup, vốn chạy đua cho tăng trưởng bằng cách đốt tiền, đã khiến chúng trở thành rác trên các đường phố.

Chi phí mua xe và trang trí chúng quá lớn trong khi chi phí cho thuê quá rẻ khiến việc hoàn vốn là bất khả thi. Người ta dựa vào dữ liệu người dùng để sinh lợi nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra trong ngành công nghiệp này. Ngược lại, những phiền toán mà chúng mang lại quá lớn.

Thêm vào đó, có quá nhiều tay chơi mới bước vào ngành công nghiệp này biến chúng trở thành một bong bóng khổng lồ. Như một hệ lụy tất yếu, hàng loạt startup đã phá sản, mang theo những khoản tiền đầu tư và cả tiền ký gửi của người dùng. Chỉ một vài tên tuổi còn có thể cầm cự cũng phải thay đổi mô hình hoạt động bởi một thực tế rằng ngành này không dễ ăn như họ đã tưởng.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên