"Bỗng dưng" thất nghiệp, giáo viên mầm non loay hoay mưu sinh mùa Covid: Từ giữ trẻ, giúp việc theo giờ đến... làm shipper
Tạm xa trẻ ở trường mầm non mùa dịch, nhiều giáo viên tư thục phải trở thành người trông trẻ, bán hàng online, giúp việc theo giờ để trang trải.
- 18-02-2021Quyền Linh - MC giàu nhất nhì showbiz Việt: Một đời lăn lộn để thoát cảnh cùng cực, thành đại gia rồi vẫn giản dị "nằm đất, đi dép lào", bỏ tiền túi giúp dân nghèo nên được người người yêu quý
- 18-02-2021Công thức tìm kiếm thiên tài khởi nghiệp của huyền thoại đầu tư có đôi mắt nhìn người thần sầu: Kẻ đặt mục tiêu là tiền bạc, chớ cùng lo toan việc lớn
- 18-02-20213 thói quen đơn giản của những người sống tại “vùng đất trường thọ” có thể giúp bạn hạnh phúc và khỏe mạnh trong thời kỳ đại dịch
- 18-02-2021Lời khuyên chân thành từ chuyên gia nội thất: "Vung tay quá trán" để mua những món đồ này, sẽ có ngày bạn phải hối hận
"Mong nhất là tìm được việc trông trẻ"
Khi biết tin tạm nghỉ dạy, cô Ngọc Trâm, giáo viên mầm non một trường tư thục tại Hà Nội gọi điện cho hai phụ huynh có con đang theo học tại lớp mình, hỏi có cần giữ trẻ không. Tuy nhiên phụ huynh đã thu xếp được nên cô chuyển sang tìm việc thời vụ.
Cô Trâm cho biết, từ trước Tết khi thành phố chính thức gửi thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học để chủ động phòng chống dịch Covid-19 sớm hơn 1 tuần so với dự kiến, nhiều phụ huynh không thể nghỉ làm trông con nên cô nhận giữ vài em và tính phí theo ngày.
"Mình nhận giữ bé theo đúng lịch sinh hoạt của trường, một bé một ngày phí 150 ngàn đồng. Cũng may lúc đó kết nối được 2 phụ huynh nên cũng kiếm thêm được chút tiền trang trải. Giờ thì khó hơn vì nhiều bé được bố mẹ cho ở lại thêm ở quê hoặc gửi về quê cho ông bà. Nếu dịch kéo dài thì sắp tới mình chua biết làm gì để kiếm thêm thu nhập", cô Trâm cho biết.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường học đóng cửa sau Tết. Ở lĩnh vực giáo dục, có thể nói, khó khăn lớn nhất chính là hệ thống trường tư thục, khi 100% thu chi đều dựa vào học phí phụ huynh đóng góp thì việc học sinh nghỉ học dài ngày đã khiến các trường và giáo viên đứng trước nhiều khó khăn.
Việc học sinh nghỉ học dài ngày đã khiến các trường và giáo viên đứng trước nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước phải nghỉ làm nhiều tháng mà công việc sau khi trở lại cũng chưa chắc đảm bảo, nhiều giáo viên đợt này chủ động tìm việc ngay từ sau Tết để kiếm thêm thu nhập.
"Năm ngoái, ban đầu nghỉ một tuần, chúng tôi đợi. Lúc có thông báo nghỉ thêm một tuần, tôi tự nhủ phải ráng. Đến khi có tin nghỉ hết tháng và có khi hết tháng 3 thì ứa nước mắt. "Chưa bao giờ tôi thấy bị động như lúc này", cô Hải My, một giáo viên mầm non chia sẻ. Vậy nên hiện tại trường nghỉ học, cô cũng như các đồng nghiệp khác không biết có lương hay không bởi chưa có thông báo chính thức nhưng thay vì chờ đợi, các cô phải chủ động kiếm thêm thu nhập.
"Nhiều giáo viên mầm non tìm được công việc giữ trẻ thì đã là may mắn vì tìm được việc làm thêm đúng chuyên môn. So với lương trường, thù lao trông một trẻ đôi khi chỉ bằng phân nửa nhưng cũng hơn là phải làm các việc khác trái ngành như giúp việc hay giao hàng. Thật ra không tìm được trẻ thì cũng đành chịu, mùa dịch này thêm đồng nào lúc này cũng quý", cô My tâm sự.
Giáo viên tạm "thất nghiệp", cần kiếm việc làm...
Chưa lúc nào, giáo viên có nhu cầu tìm nhiều việc làm thêm như lúc này khi trường dừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trên những hội nhóm dành cho phụ huynh hay trong những nhóm dân cư nội bộ, rất nhiều người đăng thông báo tìm việc làm với giới thiệu: Giáo viên tạm "thất nghiệp", cần kiếm việc làm...
Giáo viên đăng tin tìm việc.
Đồng nghiệp của cô My, dạy tại một trường học đóng trong một chung cư tại Hà Nội, nơi nhu cầu về giúp việc nhà rất lớn, lại dễ kiếm việc. Một số cô giúp việc nhà theo giờ, ngày 2-3 ca, mỗi ca tầm 2 tiếng, mỗi tiếng khoảng 50.000 - 60.000 đồng, các cô hay nói đùa là thu nhập cao hơn đi dạy. Người bạn cũng rủ cô My sang làm cùng, cô cũng đang cân nhắc vì đi lại khá xa.
Cô Linh, dạy trường công lập nhưng diện hợp đồng cho biết, nghỉ dạy, có thể cô sẽ không có lương hoặc có thì chỉ một phần rất ít. Trong khi, lương hợp đồng của cô cũng chỉ hơn 3 triệu đồng vốn đã khó khăn. Mới đây, cô nhận pha cà phê, làm đồ ăn sáng cho một tiệm của người quen, ngoài ra cô bán thêm hàng mỹ phẩm online kiêm luôn... shipper. Trước mắt cũng tạm ổn.
"Kiếm một việc tạm thời có thu nhập không phải là quá khó. Nhưng có nhiều cô giáo mang tâm lý ngại ngần, chưa kể nhiều cô gắn bó với công việc dạy học yêu trẻ nên rất nhớ trường, nhớ lớp. Như mình thời gian đầu khá phân vân khi chuyển hướng kinh doanh thêm, nhưng thật sự cũng phải tìm phương án dự phòng vì dịch bệnh không biết còn diễn biến phức tạp ra sao".
"Tuy nhiên, hai, ba tuần thì có thể xoay sở được, chỉ sợ dịch kéo dài như đợt trước rồi nhiều giáo viên "quên nghề", lúc đó không biết có còn giữ được nhiệt huyết mà theo sự nghiệp trồng người được không", cô Linh nói thêm.
"Nếu dịch kéo dài, có lẽ tôi không còn khả năng giữ trường nữa..."
Trong khi cô giáo mầm non khó khăn, những chủ trường tư cũng phải đối mặt với nhiều áp lực. Không có thu nhưng vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, thậm chí nhiều khoản phát sinh cho việc khử trùng, vệ sinh trường lớp...
Cô T.H, chủ trường mầm non tại Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Dịch đợt 2 hồi tháng 8/2020 học sinh giảm một nửa, mới hơi ổn định một chút lại dính đợt dịch mới. Năm nay nghỉ Tết sớm một tuần, học phí tháng 2 chưa kịp thu, trong khi những chi phí khác vẫn phải chi trả, thực sự rất khó khăn.
Từ năm ngoái đến năm nay, giáo viên trường tôi chưa nhận được một khoản trợ cấp nào. Nhiều cô kết nối được với phụ huynh để trông trẻ tại nhà, vì thực sự ở thành phố không có ông bà giúp đỡ, nhu cầu tìm người giữ trẻ khi bố mẹ đi làm cũng khá lớn. Các cô chủ động tìm việc chứ không thấp thỏm chờ đợi như đợt dịch trước nữa.
Trên thực tế nếu không có dịch thì sau Tết học sinh nhập học rất đông. Nhưng như sau dịch đợt 2 vừa rồi trường tôi không tuyển sinh được nhiều vì kinh tế giảm sút mạnh do dịch, nhiều phụ huynh chuyển con từ trường tư sang trường công để tiết kiệm chi phí. Năm nay chưa biết tình hình sẽ thế nào.
Hiện tôi đang có phương án đàm phán với chủ nhà chia sẻ khó khăn bằng cách giảm tiền thuê mặt bằng bởi đây là một gánh nặng lớn nhất đối với trường tư. Bên cạnh đó mong nhà nước có chính sách cho các trường tư vay vốn từ ngân hàng chính sách không lãi suất để duy trì hoạt động. Có sự quan tâm bằng cách hỗ trợ cho vay để giảm bớt khó khăn còn có động lực làm, chứ nếu không dịch lại kéo dài thì chỉ có cách đóng cửa trường vì không thể gắng gượng thêm như năm ngoái được nữa", cô H. nói.
Nhịp Sống Việt