“Bóng ma” cà phê bẩn
Một cuộc khảo sát về chất lượng cà phê bột tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho kết quả buồn: Trong gần 30 mẫu cà phê bột và hòa tan được chọn có 73% số mẫu có đậu nành, gần 50% độn thêm ngô, đậu đỏ.
- 22-07-2016Nghịch lý người tiêu dùng Việt "chấp nhận" cà phê bẩn
- 22-07-2016Nỗ lực của những doanh nghiệp cà phê trong ma trận cà phê bẩn
- 26-12-2015Phát hiện cơ sở chế biến cà phê “bẩn” tại Nha Trang
Thông tin đáng sợ khác: Theo số liệu của các cơ quan chức năng Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, có đến 50% các mẫu sản phẩm cà phê bột không có hoặc có rất ít hàm lượng cocain, đồng nghĩa với hàng loạt sản phẩm cà phê có hàm lượng 0% cà phê.
Chỉ trong thời gian ngắn, liên tục nhiều cơ sở sản xuất cà phê dởm, pha tạp, được phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa, Vũng Tàu, Nha Trang... Ngay cả nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê như Buôn Ma Thuột cũng tồn tại những cơ sở làm giàu nhờ cà phê bẩn.
“Bóng ma” thực phẩm bẩn đã lan đến thị trường cà phê. Một quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ nhì thế giới nhưng người dân phải tiêu thụ cà phê bẩn ở trong nước - nghịch cảnh thật đau xót!
Có ý kiến bình luận: Trong lúc các cơ quan chức năng ở hầu hết các địa phương vẫn còn bỏ ngỏ việc kiểm tra, kiểm soát để loại bỏ cà phê bẩn thì người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Cà phê bẩn vẫn “sống khỏe” nếu người tiêu dùng quá dễ dãi với chính mình và sự thờ ơ của cơ quan chức năng.
Không thể trách người tiêu dùng chấp nhận cà phê bẩn, bởi dù có thông thái đến đâu, chẳng ai có thể biết cái thức uống hàng ngày ấy, từ bình dân đến sành điệu, đâu là cà phê chính hiệu, đâu là cà phê... đậu nành, ngô, vỏ hạt cà phê rang cháy và nhiều loại hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Còn các cơ quan chức năng thì sao? Có những thực tế khiến bao công sức chống cà phê bẩn của cơ quan chức năng bị mất đi trong con mắt người tiêu dùng.
Ví dụ, gần đây, tại chợ Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh) có những loại tinh chất biến nước lã thành cà phê được bán công khai, hoặc rất nhiều loại hương liệu cho vào cà phê rang xay được quảng cáo nhập từ Đức, Anh, Pháp, Malaysia, Indonesia, giá chỉ 30.000 - 40.000 đồng/100g, hay bán sỉ với giá 300.000 - 600.000 đồng/thùng để rồi “1kg cà phê + 1gram hóa chất là ra sản phẩm”... Vì sao “công nghệ” pha chế cà phê kinh khủng được công khai kinh doanh giữa “thanh thiên bạch nhật”?
Và một điều nữa, các doanh nghiệp cà phê đứng ở đâu, làm gì trong thời “loạn” cà phê sạch - bẩn, khi niềm tin của người tiêu dùng vào cà phê Việt đã và đang bị đánh cắp? Rất khó trả lời.
Báo Công thương