MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bóng ma' kinh tế giảm tốc bám chặt Trung Quốc, nỗi lo về tỷ lệ nợ tăng vọt

18-07-2019 - 08:44 AM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc, một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ tái khởi động một số chính sách trước đây, ví dụ như xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và nới lỏng việc kiểm soát thị trường bất động sản, và việc này có thể khiến mối lo ngại về mức nợ cao tăng lên.

Hôm thứ Hai, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã công bố tốc độ tăng trưởng quý II là 6,2%. Mặc dù dữ liệu chính thức của nước này thường xuyên là dấu hỏi lớn, nhưng con số trên lại đánh dấu mức tăng trưởng theo quý chậm nhất trong ít nhất 27 năm.

Ngoài tăng trưởng kinh tế giảm tốc và căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước. Bắc Kinh nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nợ để tăng trưởng, thúc đẩy tiêu dùng và cải thiện khả năng tài chính của các công ty tư nhân. Thế nhưng, theo dự đoán của các nhà phân tích, tăng trưởng giảm tốc còn đòi hỏi nhiều chính sách kích thích hơn vào cuối năm nay. Họ cho rằng động thái hỗ trợ sẽ được đưa ra dưới hình thức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và theo đó, Trung Quốc sẽ phải đi vay nhiều hơn.

Dan Wang, nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit, cho hay: "Trong 6 tháng tới, vai trò của chính sách tiền tệ sẽ rất hạn chế". Bà lưu ý rằng ngân hàng trung ương sẽ chỉ thực hiện các thay đổi trong chính sách nhắm vào những lĩnh vực cụ thể. Nhà phân tích nói thêm: "Chính sách tài khoá vẫn giữ vai trò lớn nhất. Nhưng xét về yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, thì đầu tư vẫn là quan trọng bởi chỉ số tiêu dùng trong năm nay rất yếu."

Công ty tư nhân vẫn tìm đến ngân hàng "ngầm"

Một trong những biện pháp kích thích được Bắc Kinh sử dụng thường xuyên trong năm ngoái là khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với các công ty tư nhân. Những doanh nghiệp đó đóng góp phần lớn vào đà tăng trưởng và việc làm của nước này, nhưng các ngân hàng lớn lại ưu tiên làm việc với những công ty mang ít rủi ro hơn - đó là những doanh nghiệp quốc doanh.

Wang cho biết nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty ít tên tuổi, vẫn không thể có được sự hỗ trợ về mặt tài chính dù số liệu cho thấy các ngân hàng đã tăng cường cho vay đối với khu vực tư nhân. Thay vào đó, một cuộc khảo sát với hơn 3.300 doanh nghiệp tại Trung Quốc được thực hiện bởi China Beige Book cho thấy: tỷ lệ đi vay ở khu vực ngân hàng 'ngầm' của các công ty tư nhân đạt mức cao nhất trong lịch sử khảo sát. Tỷ lệ các công ty đi vay từ khu vực phi ngân hàng đã tăng lên 45% từ mức 21% trong quý III/2018.

Bóng ma kinh tế giảm tốc bám chặt Trung Quốc, nỗi lo về tỷ lệ nợ tăng vọt - Ảnh 1.

Theo bản tóm tắt về hoạt động quý II của China Beige Book: "Mọi lĩnh vực đều cho thấy việc sử dụng công cụ tài chính 'ngầm' đã tăng vọt. Nguồn trợ cấp vốn lớn của quý này là cho vay kết hợp kiểu cũ: các tổ chức phi ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước - đại diện cho các bên trung gian chính thức được nhà nước hậu thuẫn, chuyển khoản tín dụng từ các ngân hàng truyền thống sang những bên được cho là quá rủi ro nếu vay tại đây."

Bản báo cáo lưu ý rằng các ngân hàng trở nên "kén chọn" về những đối tượng mà họ cho vay, sau khi tạo điều kiện cho vay hơn đối các doanh nghiệp tư nhân trong quý I. Nhìn chung, các công ty đã đi vay nhiều hơn với mục đích thanh toán các loại chi phí hiện có.

Phụ thuộc nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng

Đầu năm nay, các nhà phân tích dự đoán rằng Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều "luồng gió ngược" về kinh tế, mà lựa chọn tốt nhất của chính phủ là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Dự đoán này vẫn được giữ nguyên, dù kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định trong nửa đầu năm nay.

Trong một báo cáo của ICBC International vào tuần này, kinh tế gia trưởng và trưởng phòng nghiên cứu Cheng Shi cùng kinh tế gia cấp cao Qian Zhijun cho biết, trên "mặt trận" tài chính, các biện pháp liên quan đến trái phiếu xây dựng và trái phiếu chính phủ đặc biệt có thể sẽ được đưa vào chính sách trong tương lai.

Bản báo cáo có viết: "Vai trò của cơ sở hạ tầng trong việc hỗ trợ nền kinh tế dự kiến sẽ được tăng cường." Những dự án phát triển như vậy có xu hướng tạm thời tăng cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế cho các khu vực kém phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là họ phải phát hành thêm trái phiếu và tăng sự phụ thuộc vào nợ.

Bóng ma kinh tế giảm tốc bám chặt Trung Quốc, nỗi lo về tỷ lệ nợ tăng vọt - Ảnh 2.

Theo số liệu từ Wind Information, lượng trái phiếu chính phủ địa phương đang lưu hành trên thị trường đã tăng hơn 16 lần trong 4 năm - từ 1,2 nghìn tỷ NDT (174,5 tỷ USD) vào tháng 5/2015 lên 19,6 nghìn tỷ NDT vào tháng 5/2019.

Trong nửa đầu năm nay, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã phê duyệt 112 trái phiếu doanh nghiệp với giá trị là 364,72 tỷ NDT - tăng 131% so với 1 năm trước, phát ngôn viên của cơ quan này cho hay. Mục đích sử dụng trái phiếu bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, xử lý nước thải và phát triển khu công nghiệp.

Tháng 6, giới chức Trung Quốc cũng ban hành một tài liệu mới khuyến khích chính quyền địa phương và các định chế tài chính sử dụng trái phiếu đặc biệt và các biện pháp tài chính khác để hỗ trợ các dự án phát triển lớn của khu vực.

Nới lỏng sự kiểm soát chặt chẽ đối với thị trường bất động sản

Một số ý kiến chỉ trích rằng Bắc Kinh đã có những bước đi quá nhanh và quá mạnh bạo trong chiến dịch giảm nợ, khiến tăng trưởng giảm tốc và thị trường "gấu" xuất hiện (khi Shanghai Composite giảm tới hơn 20% từ đỉnh 1 năm hồi năm ngoái).

Larry Hu, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết: "Chúng tôi dự đoán chính sách kích thích sẽ được đưa ra vào khoảng quý IV/2019, khi các nhà hoạch định chính sách sẽ đặt vấn đề tăng trưởng lên ưu tiên hàng đầu. Vào thời điểm đó, họ có thể hạ lãi suất để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, nới lỏng quy định để tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đưa ra những biện pháp kích thích mua hàng tiêu dùng lâu bền như ô tô, thiết bị gia dụng."

Bóng ma kinh tế giảm tốc bám chặt Trung Quốc, nỗi lo về tỷ lệ nợ tăng vọt - Ảnh 3.

Dù giá bất động sản đã tăng cao và những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế các nhà phát triển gọi vốn từ bên ngoài như thế nào, giới chức nước này vẫn không thể tránh được việc phải tăng cường hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Nhà phân tích Wang cho biết kinh nghiệm với chiến dịch giảm đòn bẩy của Bắc Kinh đã khiến chính quyền địa phương thận trọng hơn trong việc phát hành trái phiếu. Ngành công nghiệp sản xuất cũng chịu áp lực từ căng thẳng thương mại với Mỹ. Do đó, bà kỳ vọng rằng những biện pháp kiểm soát đối với thị trường bất động sản sẽ "được nới lỏng đáng kể" trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là những khu vực bên ngoài những thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Hương Giang

CNBC

Trở lên trên