"Bóng ma" MH17 giữa lo ngại an ninh hàng không
Nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không có thể gia tăng do các sự cố liên quan đến bảo mật, mối đe dọa khủng bố, tấn công tên lửa…
- 28-05-2018Sputnik phản đòn vụ MH17: Kết quả điều tra được cố tình tung ra vào thời điểm "nhạy cảm" với Nga?
- 24-05-2018Sau tuyên bố tên lửa của quân đội Nga bắn rơi MH17, điều tra viên khoanh vùng đối tượng nghi vấn
- 11-04-2018257 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất kể từ sự kiện MH17
Các hãng hàng không đang từng bước tăng cường cảnh giác trước các mối đe dọa đối với máy bay của họ sau sự cố chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn hạ năm 2014 ở Ukraine.
Ngày 17-7-2014, chiếc Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines số hiệu MH17 xuất phát từ Amsterdam - Hà Lan bay tới Kuala Lumpur - Malaysia, khi đang bay qua không phận thuộc miền Đông Ukraine, nơi diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai, thì bất ngờ bị nổ ở trên không.
Toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, bao gồm 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn, hơn một nửa là công dân Hà Lan. 15 thành viên phi hành đoàn đều là người Malaysia.
Theo các tài liệu ban đầu, máy bay lao xuống và cách không phận của Nga khoảng 50 km. Một nguồn tin giấu tên cho hay chiếc Boeing đã được tìm thấy trên mặt đất thuộc khu vực phía Đông Ukraine và bị cháy đen. Một nguồn tin giấu tên khác thuộc cơ quan an ninh Ukraine cho biết chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao khoảng 10.000 m, sau khi rơi xuống gần thị trấn Shakhtyorsk.
Tai nạn máy bay này xảy ra chỉ 4 tháng sau tai nạn hàng không khác cũng liên quan tới Malaysia, khi chuyến bay số hiệu MH370 chở 239 người mất tích bí ẩn khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh - Trung Quốc.
Các mảnh vỡ của máy bay MH17 được lắp ráp lại tại Hà Lan. Ảnh: Reuters
Các mãnh vỡ của MH17 cho thấy máy bay đã bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không. Năm quốc gia bị ảnh hưởng bao gồm Úc, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine cùng nhau triển khai một cuộc điều tra chung.
Nhóm điều tra cho rằng họ có bằng chứng cho thấy Nga có liên quan tới vụ bắn rơi máy bay. Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc nhưng vào thời điểm đó, Nga được cho là đang cung cấp đạn dược cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Các nhà điều tra cho rằng hệ thống tên lửa BUK của Nga đã bắn hạ chiếc máy bay xấu số này. Họ cũng đưa ra bằng chứng những bức ảnh và video cho thấy hệ thống tên lửa BUK được đưa qua biên giới Nga vào lãnh thổ Ukraine, rồi sau đó được đưa trở lại về Nga.
Ngoài ra, có nhiều phán đoán cho rằng phe ly khai đã nhầm máy bay của Malaysia với máy bay quân sự của Ukraine bởi trước đó, quân ly khai đã từng bắn hạ vài chiếc máy bay Su-25 của quân đội Ukraine.
Các mãnh vỡ của MH17 trên cánh đồng hoa hướng dương ở Petropavlovka - Ukraine vào năm 2014. Ảnh: The New York Times
Ba trong số 4 nghi phạm bị truy tố trong vụ việc này mang quốc tịch Nga và được cho là sống ở Nga. Trong đó, Igor Girkin, có mật danh "Strelkov", là nghi phạm đáng chú ý nhất và từng trải qua nhiều chiến trường.
Sergey Dubinsky và Oleg Pulatov được cho là làm việc dưới quyền Igor Girkin vào năm 2014 và từng là điệp viên của GRU, cơ quan tình báo quân đội Nga có liên quan tới vụ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh.
Nghi phạm thứ tư, Leonid Kharchenko, là công dân Ukraine, cũng có mối liên hệ với những lãnh đạo của lực lượng ly khai.
Tháng 12-2021, các công tố viên Hà Lan đã đề nghị bản án chung thân với 4 nghi phạm bị cáo buộc dùng tên lửa bắn rơi máy bay MH17.
Người Lao động