"Bóng ma" trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997
Gần 22 năm (1997-2019) cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của các nước trong khu vực châu Á đi qua, nền kinh tế của nhiều nước đã được phục hồi, nhưng nghiên cứu nguyên nhân khủng hoảng cho phép rút ra những bài học quý báu về quản lý kinh tế.
Diễn biến cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á
Năm 1997, đánh dấu một năm đầy biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và sau đó là Đông Bắc Á với những cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ nghiêm trọng bắt đầu từ Thái Lan, sau đó lan sang các nước ASEAN khác rồi tới Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cuộc khủng hoảng mang tính khu vực này đã được Chính phủ mỗi nước, các tổ chức quốc tế đứng đầu là IMF, các quốc gia có nền kinh tế mạnh trên thế giới phối hợp ngăn chặn, song thực tế đã cho thấy đã lan rộng sang các khu vực khác và trên phạm vi mang tính toàn cầu.
Các công ty, các ngân hàng và các chính phủ châu Á năm 1997 đã quá phụ thuộc vào đồng USD
Bắt đầu cuộc khủng hoảng tiền tệ là từ Thái Lan (7/1997). Và chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 12-1996 đến tháng 12-1997 đồng Baht Thái Lan đã bị giảm giá 108% từ chỗ 25 Baht ăn 1 USD xuống còn 54 Baht ăn 1 USD.
Tốc độ mất giá tương tự như vậy diễn ra ở Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và đặc biệt ở Indonesia đồng tiền bị mất giá đến 3,5 lần, đồng Yên Nhật Bản cũng mất giá 23%.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng
Các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đã gây nhiều tranh luận lúc đó và chúng vẫn còn được tranh luận đến ngày hôm nay. Các nhà quan sát phương Tây đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch và quan hệ quá mật thiết giữa các doanh nghiệp và các chính phủ châu Á - cái mà họ gọi là “tư bản thân hữu”. Trong khi, những nhà bình luận châu Á, lại phê phán các quỹ đầu tư mạo hiểm vì đã gây mất ổn định các thị trường tài chính khu vực và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì đã kê một "đơn thuốc" vốn chút nữa đã giết chết bệnh nhân.
Cả hai góc nhìn đều có ý đúng, song tựu trung lại có thể khẳng định những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, nền kinh tế phát triển thiên lệch, mất cân đối, với những biểu hiện:
(1) Tập trung quá mạnh đầu tư cho xuất khẩu, lấy đó làm động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng khi thị trường thế giới gặp khó khăn trong cạnh tranh, xuất khẩu giảm đã tác động lớn đến nền kinh tế và sản xuất trong nước.
(2) Chính sách xuất khẩu theo hướng độc canh, tập trung quá cao vào một vài mặt hàng (hàng điện tử chiếm 21,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan, của Malaysia 49,2% và của Philippines 43,5%) và công nghệ chậm được đổi mới đã làm mất dần khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu giảm dần và nhập khẩu tăng lên, kết quả là thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao (năm 1996 thâm hụt tài khoản vãng lai của Thái Lan là 8,5% so với GDP, Philippines là 13%, trong khi đó mức thâm hụt cho phép chỉ là 5% GDP).
Đề bù đắp ngoại tệ thiếu hụt, các nước đã phải bổ sung bằng vay nợ, mà phần lớn là vay ngắn hạn với nhiều điều kiện không thuận lợi và lãi suất cao. Riêng ở Thái Lan số vay ngắn hạn chiếm 45% tổng số nợ nước ngoài.
(3) Nợ nước ngoài lớn, trong khi đó nguồn dự trữ ngoại tệ không đủ lực để can thiệp vào tình hình tài chính tiền tệ quốc gia. Đáng lo ngại, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao, ví dụ ở Thái Lan nợ ngắn hạn chiếm 45% tổng nợ, trong khi đó cũng ở Thái Lan dự trữ ngoại tệ liên tục giảm từ 31,6% so với GDP năm 1994 xuống 29,5% năm 1995 và năm 1996 xuống còn 26,6% so với GDP.
Ở Hàn Quốc, tình trạng nợ còn trầm trọng hơn, tổng nợ nước ngoài năm 1998 của Hàn Quốc lên đến 110 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn đến 80 tỷ USD.
(4) Mất cân đối trong cơ cấu đầu tư, thiên lệch vào lĩnh vực kết cầu hạ tầng, mà chưa chú ý đàu tư đúng mức vào lĩnh vực để tăng thêm năng lực sản xuất. Thêm vào đó trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lại đầu tư quá lớn vào thị trường bất động sản và kinh doanh địa ốc chủ yếu bằng nguồn vốn vay nước ngoài ngắn hạn.
Chính vì vậy, khi giá bất động sản giảm sút mạnh, thì hoạt động kinh doanh trong lợi nhuận này bị thua lỗ. Cũng có trường hợp như Hàn Quốc thì nguyên nhân chính của khủng hoảng lại là đầu tư quá nhiều vào một số ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, hàng điện tử, máy vi tính...
Theo đó, chính sách phát triển này nhắm trước hết là giành thị phần sau đó mới tính đến lỗ, lãi. Nhưng khi cung vượt quá cầu trên thị trường thế giới thì các ngành công nghiệp này bị thua thiệt và lỗ vốn.
(5) Mất cân đối giữa các loại hình đầu tư quốc tế: Đầu tư FDI chỉ chiếm 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài, 80% còn lại các chủ đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư gián tiếp, ngắn hạn thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nên khi có dấu hiệu suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài đầu cơ, bán tháo chứng khoán và chuyển đổi thành ngoại tệ làm cho đồng nội tệ bị sụt giá đột ngột và nhanh chóng.
(6) Hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác phát triển quá nhanh và hoạt động kém hiệu quả. Việc quản lý của nhà nước đối với khu vực này rất yếu kém, chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại thấp, nhất là những mạo hiểm trong việc sử dụng các nguồn vốn vay ngắn hạn để cho vay đầu tư trung và dài hạn làm tăng rủi ro làm cho các khoản nợ khó đòi của nhiều ngân hàng thương mại tăng quá mức cho phép. Tổng số nợ khó đòi so với GDP ở Thái Lan là 20%, ở Malaysia là 23%, ở Indonesia là 11% và Philippines là 8%.
Đồng Rupiah của Indonesia
Thứ hai, chính sách tài chính - tiền tệ không hợp lý, cụ thể: (1) Chính sách tỷ giá đối hoái được duy trì cứng nhắc, gần như cố định và phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD. (2) Chính sách tự do hóa quản lý ngoại hối của các nước Đông Nam Á, trong khi thị trường chứng khoán, thị trường hối đoái ít được kiểm soát và phát triển không đồng bộ, điển hình là Thái Lan.
Thứ ba, những bất ổn về chính trị - xã hội cũng là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính như ở Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc.
Thứ tư, đầu cơ ngoại tệ cũng góp phần làm cho cuộc khủng hoảng tài chính thêm trầm trọng.
Những thay đổi sau gần 22 năm
Đầu tiên, các nước gặp khủng hoảng đã hạ mức đầu tư và kỳ vọng tăng trưởng xuống mức có thể duy trì được. Các chính phủ châu Á vẫn nhấn mạnh tăng trưởng, nhưng không phải là làm điều đó bằng mọi giá.
Thứ hai, các nước Đông Nam Á giờ đây đã có tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Các chính phủ trong khu vực ít nhất đã từ bỏ việc "bám chặt" vào đồng USD, căn nguyên của sự dễ tổn thương năm 1997.
Nền kinh tế châu Á hiện đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1997 - 98.
Thứ ba, các nước như Thái Lan lúc đó đang có thâm hụt thương mại lớn, làm tăng phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài, nhưng giờ đây đang có thặng dư. Thặng dư thương mại đã giúp họ tăng dự trữ ngoại hối, thứ có tác dụng như một dạng "bảo hiểm".
Thứ tư, các nước châu Á giờ đang cùng nhau làm việc để bảo vệ khu vực. Năm 2000, khi cuộc khủng hoảng kết thúc, họ lập ra Sáng kiến Chiang Mai (Thái Lan), một mạng lưới tín dụng tài chính và hoán đổi ngoại hối khu vực. Và bây giờ họ có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để khu vực hóa việc cung cấp tài chính phục vụ phát triển hạ tầng.
Những sáng kiến này có thể được hiểu như một phản ứng với kỷ niệm không vui của châu Á với IMF. Sâu xa hơn, chúng phản ánh sự nổi lên của Trung Quốc. Năm 1997, một Trung Quốc còn chưa chắc chắn về vai trò trong khu vực đã không ủng hộ kế hoạch của người Nhật về một Quỹ Tiền tệ châu Á. Việc không nhận được sự ủng hộ cuối cùng đã chấm dứt số phận của đề xuất đó.
Sau này, sự tự tin ngày một tăng và vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đã góp phần mở lối cho việc xây dựng thể chế và hợp tác khu vực. Sự thay đổi này, xảy ra trong bối cảnh 22 năm tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, là thay đổi có tính quan trọng nhất ảnh hưởng đến châu Á kể từ sau cuộc khủng hoảng.
Theo Project Syndicate, New York Times
An ninh thủ đô