MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bóng ma' vỡ nợ rình rập từng ngày, 'khoảnh khắc Lehman' của Trung Quốc sắp xuất hiện?

17-09-2021 - 18:30 PM | Tài chính quốc tế

'Bóng ma' vỡ nợ rình rập từng ngày, 'khoảnh khắc Lehman' của Trung Quốc sắp xuất hiện?

Sự sụp đổ của Lehman Brothers cách đây 13 năm là minh chứng rõ ràng cho việc một thực thể lớn vỡ nợ đã gây ra chấn động lớn thế nào cho cả thế giới. Theo chuyên gia từ các ngân hàng lớn cho đến tỷ phú George Soros, Evergrande cũng là một công ty mang "tầm cỡ" như vậy.

Sự sụp đổ của Lehman Brothers diễn ra vào đúng tuần này của 13 năm trước. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy việc một thực thể vỡ nợ đã gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới như thế nào. Kí ức về sự kiện kinh hoàng đó đang được nhắc lại nhiều lần khi một nhà phát triển bất động sản phía bên kia thế giới đang đứng trước bờ vực vỡ nợ. 

Đó chính là rủi ro sụp đổ của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande, với khoản nợ 300 tỷ USD. Nếu công ty này sụp đổ, cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ lao đao.

Nhà đầu tư lạc quan một cách thận trọng 

Ed Yardeni - chủ tịch Yardeni Research, viết trong một lưu ý gửi khách hàng hôm thứ Năm: "Một số người lo sợ rằng cuộc khủng hoảng của Evergrande sẽ mang theo những rủi ro hệ thống tương tự như sự sụp đổ của Lehman Brothers đối với thị trường chứng khoán Mỹ."

Giống Lehman ở thời kỳ hoàng kim, Evergrande cũng là một doanh nghiệp siêu lớn. Bởi vậy, ảnh hưởng của một vụ vỡ nợ sẽ tạo phản ứng dây chuyền. Công ty này có 200.000 nhân viên, doanh thu vào năm ngoái đạt hơn 110 tỷ USD và có hơn 1.300 dự án phát triển. 

Hiện tại, Phố Wall và nhà đầu tư trên toàn thế giới đang theo dõi chặt chẽ tình hình của Evergrande, khi những khoản nợ của các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm qua. Song, họ vẫn chưa nhận thấy có dấu hiệu nào cho thấy sự sụp đổ của Evergrande sẽ ảnh hưởng đến Phố Wall. 

Mark Zandi - kinh tế gia trưởng tại Moody’s Analytics, cho hay: "Tôi không cho rằng cuộc khủng hoảng của Evergrande và những vấn đề tài chính của các công ty bất động sản Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ."

Bóng ma vỡ nợ rình rập từng ngày, khoảnh khắc Lehman của Trung Quốc sắp xuất hiện? - Ảnh 1.

Theo Simon MacAdam - nhà kinh tế toàn cầu cấp cao tại Capital Economics, "khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc là một câu chuyện rất đáng chú ý. Ngay cả sự "sụp đổ lộn xộn" của Evergrande cũng có ít tác động đối với toàn cầu, ngoài việc gây ra một số bất ổn cho thị trường.

Ngoài tác động đối với thị trường, sự sụp đổ của Evergrande có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Tập đoàn này đã đình chỉ hoạt động của một số dự án trong nỗ lực tiết kiệm tiền mặt. Với quy mô của họ, động thái này sẽ tạo áp lực cho thị trường bất động sản Trung Quốc.

Lebas cho hay: "Dù sự sụp đổ có thể có tác động nhỏ đến mức vừa phải ở các nền kinh tế khác, nhưng tôi cho rằng quy mô sẽ không quá lớn. Tôi không chắc liệu Trung Quốc có chứng kiến khoảnh khắc Lehman hay không."  Trong khi đó, Yaderni không cho rằng Bắc Kinh sẽ cứu Evergrande. Thay vào đó, họ sẽ bơm đủ thanh khoản để hạn chế thiệt hại.

Khoảnh khắc Lehman hay khoảnh khắc Volcker? 

Tuy nhiên, theo quan điểm của Matthew Brooker - biên tập viên chuyên về phân tích tài chính của Bloomberg Opinion, có một nghịch lý khi Trung Quốc nỗ lực "làm xẹp" bong bóng bất động sản, đó là việc này sẽ gây khủng hoảng cho nền kinh tế trong nước và thậm chí là ảnh hưởng đến sự hồi phục toàn cầu. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng tác động của việc kiểm soát nợ sẽ có hậu quả cực kỳ tàn khốc, thì liệu họ có quyết định… dừng lại hay không?

Trên thực tế, những bước đi tương tự đã được đưa ra ít nhất là kể từ năm 2004. Những biện pháp như tăng lãi suất thế chấp, hạn chế hoạt động mua bán hay tăng thuế lợi vốn sẽ có hiệu quả ban đầu trong việc kiểm soát giá và nhu cầu. Song, một khi tăng trưởng suy yếu và họ mở "van" tiền, sự ưu tiên ban đầu sẽ dần chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng và tình hình cấp bách của thị trường bất động sản sẽ bị lãng quên.

Sau đó, tăng trưởng tín dụng sẽ "lấn át" các chính sách vĩ mô. Những khoản vay sẽ hướng đến những mục tiêu hiệu quả hơn như các nhà sản xuất nhỏ hay startup công nghệ. Bằng một cách nào đó, dòng tiền vẫn tìm thấy "đường vào" lĩnh vực đầu tư bất động sản.

Tất cả những yếu tố này đang trở thành tín hiệu báo động đối với Trung Quốc. Đây có thể là "thời điểm Volcker" của Trung Quốc, báo hiệu sự suy thoái kinh tế tồi tệ hơn so với dự kiến, sẽ có nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu hơn và khả năng cao thị trường chứng khoán sẽ bị xáo trộn, theo Nomura. Còn Bank of America cho biết, sự hỗn loạn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng.

Bóng ma vỡ nợ rình rập từng ngày, khoảnh khắc Lehman của Trung Quốc sắp xuất hiện? - Ảnh 2.

Theo Nomura, lần siết chặt này không giống như trước đây. Bắc Kinh đang thể hiện quyết tâm chưa từng có trong việc kiểm soát thị trường bất động sản. Giới chức của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang muốn đạt được 3 mục tiêu dài hạn: giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng tỷ lệ sinh và giảm bất bình đẳng giàu nghèo.

Khoảnh khắc Volcker xuất hiện khu cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker nâng lãi suất lên 20% vào đầu những năm 20% để kiểm soát lạm phát. Sau đó, Mỹ rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc, nhưng lại là nền tảng cho đà tăng trưởng kéo dài. Tương tự, theo Nomura, Bắc Kinh dường như "sẵn sàng hy sinh sự ổn định tăng trưởng" để đạt mục tiêu dài hạn.

Song, có một số yếu tố khác biệt. Khi đó, Mỹ không chứng kiến bong bóng tín dụng khổng lồ, cuộc suy thoái do Volcker gây ra chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Còn đối với Trung Quốc, nếu giá bất động sản lao dốc, điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ và hiện tượng suy thoái bảng cân đối kế toán, có khả năng sẽ kéo dài hơn nhiều. Một ví dụ điển hình đó là sự sụp đổ của bong bóng bất động sản tại Nhật Bản cuối những năm 1980 đã khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái hàng thập kỷ.

Trên thực tế, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã phát triển quá lớn mạnh, được định giá cao và đóng vai trò cực kỳ quan trọng với nền kinh tế. Do đó, việc định hình lại ngành này sẽ gây ra hậu quả khôn lường và thảm khốc.

Nếu những dấu hiệu gây khó khăn cho nền kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, rất có thể các nhà hoạch định chính sách sẽ thay đổi quan điểm như trước đây. Tỷ phú George Soros nhận định, một cuộc khủng hoảng lớn sắp xảy ra với ngành bất động sản của Trung Quốc, nhưng đó có thể là hệ quả của một vụ sụp đổ nào đó hơn là lựa chọn chính sách của chính phủ. Bởi vậy, "khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc vẫn có khả năng xảy ra. 

Tổng hợp

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên