BOT giao thông: Cần cái nhìn toàn diện
Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dự án BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, thì các dự án giao thông theo hình thức BOT thời gian qua đã bộc lộ không ít hạn chế, gây nhiều bức trong xã hội. Vụ việc dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) “vỡ trận” là điển hình của sự bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Được gì?
Trong 5 năm (2011-2016), Bộ Giao thông vận tải đã huy động 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm 90,2% tổng vốn huy động. Đến nay, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng, tất cả các dự án này đều thuộc lĩnh vực đường bộ. Việc xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt hạ tầng giao thông của nước ta, là bước đột phá lớn của ngành giao thông vận tải giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, chuyên gia giao thông, sau khi đi vào khai thác thu phí hoàn vốn theo lộ trình các dự án BOT đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về chất lượng, trình tự phương thức thực hiện đặc biệt là tình trạng lộn xộn trong vấn đề thu phí gây bức xúc trong dư luận.
Có thể nói nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các bức xúc của người dân xung quanh các dự án BOT giao thông chính là việc đặt trạm thu phí, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dự án BOT.
Cụ thể, nhiều trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lí. Đáng chú ý, theo quy định, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới. Nhưng hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu.
Và mất gì?
Đánh giá về những bất cập trong các dự án BOT hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, công tác lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông hiện chưa minh bạch, chủ yếu là chỉ định thầu, không thực hiện hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi. Hình thức này đã khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi, những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ thoả thuận, không mang tính chất minh bạch.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, hầu như các dự án BOT giao thông đều bị đội vốn, sau đó nhà đầu tư lại dựng trạm BOT để thu phí với thời gian kéo dài điều này đã tạo nên sự bức xúc trong dư luận. Đáng chú ý, hầu như các nhà đầu tư BOT vốn đầu tư chỉ có 15%, 85% vốn còn lại là vay ngân hàng với mức lãi suất thấp và được Nhà nước bảo lãnh.
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào, TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích thêm, vị trí đặt trạm thu phí rất quan trọng, quyết định lượng thu được bao nhiêu, hiệu quả đầu tư cũng như ý kiến của người dân được tiếp thu như thế nào. Việc đặt trạm thu phí sai vị trí sẽ khiến người dân phẫn nộ nhiều hơn so với mức phí. Như ở trường hợp BOT Cai Lậy, việc Bộ Giao thông vận tải miễn, giảm thu phí đối với từng loại xe vẫn không trấn an được dư luận.
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BOT hiện đang tìm mọi cách chống lại biện pháp thu phí một dừng và thu phí không dừng. Vì chưa có cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện lưu thông trên dự án BOT nên sẽ không kiểm soát được thời gian thu phí, trong khi chủ đầu tư luôn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách báo cáo lưu lượng phương tiện thấp hơn thực tế. Cụ thể, qua công tác kiểm tra, giám sát của Bộ Giao thông vận tải mới đây tại các trạm thu phí BOT, kết quả doanh thu thu phí trong thời gian giám sát đều tăng hơn so với thời gian tương đương của các tháng trước đó”, ông Thủy nhấn mạnh.
Vì vậy, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào đề xuất, đoạn đường nào thực sự nhà đầu tư xây dựng mới hoàn toàn thì nhà đầu tư đặt trạm BOT, còn những đoạn chỉ cơi nới làm vỉa hè hoặc làm thêm đường thì phải kiểm tra chặt chẽ để có hình thức thanh quyết toán. Nhà đầu tư chỉ được dựng trạm thu tiền với những tuyến đường BOT hoàn toàn mới, cách đường quốc lộ 20m hay 50m. Người dân đi sang đường cao tốc BOT thì phải trả tiền nếu muốn đi đường đẹp, nhanh, thoáng mát… Tránh tình trạng “tận thu” như hiện nay.
Còn theo TS Nguyễn Xuân Thủy, cần phải xây dựng quy hoạch BOT thu phí cả nước do Chính phủ phê duyệt, thậm chí có nghị định chi tiết về BOT trong đó nêu rõ các quy định kiểm soát chi phí đầu tư, huy động vốn, quản lý hợp đồng, trách nhiệm cá nhân tổ chức, cơ chế công khai minh bạch về lựa chọn nhà đầu tư, về phương án tài chính… Có như vậy mới tránh được tình trạng “tay không bắt giặc”, đặt trạm thu phí dày đặc để thu phí như hiện nay. Đặc biệt, cần nhanh chóng thực hiện thu phí điện tử, thu phí không dừng tại các trạm BOT trên cả nước như vậy mới minh bạch và công khai về khoản phí mà nhà đầu tư.
Hải Quan