MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Brand Finance: Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN thăng hạng quyền lực mềm toàn cầu

Brand Finance: Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN thăng hạng quyền lực mềm toàn cầu

Tính trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia duy nhất được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

Theo báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, xếp hạng thương hiệu của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.

Brand Finance: Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN thăng hạng quyền lực mềm toàn cầu - Ảnh 1.

Nguồn: Brand Finance

Brand Finance nhận định, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Trong năm qua, uy tín quốc gia của Việt Nam đã tăng lên, phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như sự năng động của doanh nghiệp Việt Nam.

Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, ông Samir Dixit nhấn mạnh, phương thức lịch sử quản lý quyền lực mềm thông qua các cá nhân mạnh mẽ và ngoại giao chính trị không còn phù hợp nữa. Quyền lực mềm ngày nay là tổng hợp nhận thức của tất cả các bên liên quan, có thể là người tiêu dùng, doanh nghiệp, phương tiện truyền thông, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, nhà đầu tư, lãnh đạo của các quốc gia khác.

Theo ông Dixit, tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ 21 bao gồm sự hợp tác bền vững giữa các bên liên quan và mối tương quan giữa nhận thức về thương hiệu quốc gia với các thương hiệu trong nước, điều này có thể thực sự nâng cao sức mạnh mềm của quốc gia - cả bên trong và bên ngoài. "Việt Nam dường như đã kiểm soát tốt mọi khía cạnh, đặc biệt là sự hội nhập và liên kết giữa thương hiệu quốc gia và các thương hiệu trong nước", ông nhận định.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, hoàn tất quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Đại diện Brand Finance cho hay, cơ quan quản lý chương trình "Giá trị Việt Nam" (Vietnam Value) thuộc Bộ Công thương đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thông qua tư vấn phát triển doanh nghiệp, thiết lập hệ thống thông tin và cập nhật kiến ​​thức xây dựng thương hiệu. Tất cả sáng kiến ​​và nỗ lực này đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng, người tiêu dùng quốc tế và khách hàng về Chương trình và các sản phẩm Vietnam Value thông qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, ông Dixit kết luận, nhờ những nỗ lực của chương trình "Giá trị Việt Nam", ngành công nghiệp thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đóng góp tới 17 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam. Ngành công nghiệp may mặc cũng chiếm hơn 22 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam. Những đóng góp kinh tế này hoàn toàn quan trọng đối với tăng trưởng chung, danh tiếng và đóng góp vào quyền lực mềm của Việt Nam.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên