MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BRICS ‘nhắm trúng’ 1 lục địa cực tiềm năng, rót hàng tỷ USD vào các nền kinh tế, quyết tâm hỗ trợ hàng loạt lĩnh vực quan trọng

09-09-2023 - 06:57 AM | Tài chính quốc tế

BRICS ‘nhắm trúng’ 1 lục địa cực tiềm năng, rót hàng tỷ USD vào các nền kinh tế, quyết tâm hỗ trợ hàng loạt lĩnh vực quan trọng

Lục địa này dự kiến sẽ “chuyển mình” mạnh mẽ nhờ quan hệ hợp tác với BRICS.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 vừa được tổ chức vào ngày 22-24/8 tại Johannesburg, Nam Phi và thu hút nhiều sự chú ý của toàn thế giới. Được biết, 6 quốc gia bao gồm Ai Cập, Argentina, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được mời trở thành thành viên mới. Động thái này được cho là cơ hội giúp các nước châu Phi tăng cường quan hệ hợp tác với nhiều nền kinh tế mới nổi.

Trong kỷ nguyên kết nối toàn cầu, việc BRICS mở rộng thêm các thành viên ngoài các quốc gia hiện tại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các động lực toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đánh giá việc mở rộng nhóm là một động thái "lịch sử" - thể hiện quyết tâm của các nước BRICS trong việc đoàn kết và hợp tác với các quốc gia đang phát triển khác. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bày tỏ sự tin tưởng vào việc mở rộng sẽ đem lại lợi ích chung cho các quốc gia.

Mối liên kết chiến lược này không chỉ đơn thuần là nỗ lực một chiều. Đúng hơn, nó đánh dấu sự trao đổi giữa các nước về chuyên môn, nguồn lực và chiến lược phát triển. Đặc biệt, China Daily viết, khi các quốc gia BRICS cùng tập hợp sức mạnh và nguồn lực, họ có khả năng giúp đỡ các quốc gia châu Phi khai thác tiềm năng bên trong nhiều hơn, thúc đẩy tự phát triển và có sự tiến bộ bền vững.

BRICS ‘nhắm trúng’ 1 lục địa cực tiềm năng, rót hàng tỷ USD vào các nền kinh tế, quyết tâm hỗ trợ hàng loạt lĩnh vực quan trọng - Ảnh 1.

BRICS đã đạt được sức hút đáng kể kể từ khi thành lập vào năm 2009. Ban đầu, khối được hình thành như một nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu. Hiện tại, BRICS đã phát triển thành một tổ chức kinh tế đáng gờm với tiềm năng định hình lại động lực kinh tế toàn cầu.

Một số chuyên gia nhận thấy việc mở rộng BRICS nhiều khả năng sẽ tạo ra những ảnh hưởng rõ nét đối với châu Phi. Theo China Daily, các quốc gia BRICS có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, chính trị và phát triển xã hội của lục địa này. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng lợi ích tiềm năng của sự tham gia là rất lớn.

Hợp tác kinh tế là nền tảng của mối quan hệ đối tác đang phát triển này. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do BRICS thành lập - có chức năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển - đã chuyển hàng tỷ đô la vào các nền kinh tế châu Phi , hỗ trợ những lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giao thông vận tải và viễn thông. Những khoản đầu tư như vậy tạo nền tảng cho quá trình hiện đại hóa và kết nối, giúp các quốc gia châu Phi thu hẹp khoảng cách trong quỹ đạo phát triển của họ.

Điều quan trọng không kém là tập trung vào trao đổi chuyên môn và vấn đề đổi mới. Những nỗ lực hợp tác trong công nghệ, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe đã hỗ trợ các quốc gia châu Phi tiếp cận sự tiên tiến của các nước trong khối BRICS.

Nhiều chương trình trao đổi, học bổng và sáng kiến nghiên cứu chung cũng giúp người trẻ đến từ các quốc gia châu Phi có nhiều cơ hội rộng mở và trở thành động lực thay đổi trong xã hội của họ. Bằng cách tập trung vào đổi mới, việc mở rộng BRICS đang gieo hạt giống cho sự phát triển bền vững vượt qua các ranh giới truyền thống.

Ngoài ra, Diễn đàn Truyền thông khối BRICS với chủ đề "BRICS và châu Phi” cũng đã nêu bật những mối quan tâm và nguyện vọng chung. Diễn đàn thảo luận phương hướng giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình và thương mại quốc tế.

Theo China Daily, trong tương lai, sự tham gia của các quốc gia châu Phi trong khối BRICS có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Tăng cường quan hệ kinh tế, giao lưu con người, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ sẽ là những lĩnh vực trọng tâm. Hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe cũng có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững tại châu Phi.

Tham khảo China Daily

Bạch Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên