BRICS sẽ được hưởng lợi gì khi kết nạp thêm 6 thành viên mới?
Các nước BRICS đã nhất trí kết nạp thêm 6 thành viên mới vào khối. Quá trình mở rộng này sẽ giúp BRICS có thêm các thành viên “nặng ký” - gồm nước có ngân sách dồi dào, nhà xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt và quốc gia có dân số đang bùng nổ với vị trí chiến lược quan trọng.
- 25-08-2023Một hiện tượng cảnh báo bùng nổ xe điện ở Mỹ có dấu hiệu chững lại, chuyện gì đang xảy ra?
- 25-08-2023Sinh vật tí hon hứa hẹn giải mã bí ẩn lớn nhất lịch sử ngành hàng không khiến 239 người biến mất không dấu vết
- 25-08-2023“Kho báu trên trời” khiến cả Trung Quốc, Nga, Mỹ... đổ hàng trăm tỷ để "chạm tới": Một quốc gia châu Á vừa điền tên vào danh sách chạy đua
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg hôm 24/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ trở thành thành viên chính thức của khối từ ngày 1/1/2024.
Ông Ramaphosa cho biết 5 thành viên hiện tại của BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc hướng dẫn, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục của quá trình mở rộng khối, vốn đã được thảo luận trong một thời gian.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, các nhà lãnh đạo trong khối đã giao cho các bộ trưởng ngoại giao nhiệm vụ phát triển các tiêu chí để kết nạp thành viên mới, cùng danh sách các quốc gia tiềm năng. Các thành viên BRICS cũng nhấn mạnh động lực toàn cầu trong sử dụng các đồng nội tệ, các thỏa thuận tài chính và hệ thống thanh toán thay thế.
“Với tư cách là thành viên BRICS, chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu các cơ hội để cải thiện tính ổn định, độ tin cậy và công bằng của cấu trúc tài chính toàn cầu”, ông nói.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương BRICS sẽ thảo luận vấn đề này để báo cáo với các lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bình luận động thái mở rộng BRICS là bước đi “lịch sử” và điều đó sẽ mang lại sức sống cho khối. Ông cho rằng việc kết nạp thành viên mới phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
“Việc mở rộng BRICS mang tính lịch sử. Điều này thể hiện quyết tâm của các quốc gia trong việc thống nhất và hợp tác với các nước đang phát triển rộng lớn hơn. Mở rộng BRICS cũng là điểm khởi đầu mới của các mối quan hệ hợp tác trong khối. Động thái này sẽ mang lại sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS. Tôi tin rằng chỉ cần chúng ta làm việc vì mục đích chung, sự hợp tác của BRICS có thể đạt được rất nhiều lợi ích và tương lai của các nước thành viên sẽ tươi sáng hơn”, ông Tập Cận Bình nói.
Trong hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Ramaphosa cho biết các thành viên của khối “đã chia sẻ tầm nhìn về BRICS với tư cách là khối đi đầu về nhu cầu và mối quan tâm của người dân Nam Bán cầu”. Ông cho biết những nhu cầu đó bao gồm tăng trưởng kinh tế có lợi, phát triển bền vững và cải cách các hệ thống đa phương.
“Chúng tôi lo ngại về những xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi nhấn mạnh cam kết giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn toàn diện”, ông Ramaphosa nói.
Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ luôn hoàn toàn ủng hộ việc tăng số lượng thành viên của khối. Ông nói rằng Ấn Độ sẽ giúp xây dựng sự đồng thuận để có thêm các quốc gia khác bày tỏ mong muốn tham gia BRICS.
Ông Modi tuyên bố: “Chúng tôi luôn tin rằng việc kết nạp các thành viên mới sẽ củng cố hơn nữa khối BRICS và sẽ mang lại động lực mới cho những nỗ lực chung của chúng ta”.
Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng cân bằng khu vực và lợi ích kinh tế của các nước thành viên có lẽ là những yếu tố quyết định việc lựa chọn thành viên BRICS mới.
Ông Gustavo de Carvalho, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, cho biết việc kết nạp các quốc gia giàu dầu mỏ như Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Iran phù hợp với ý tưởng sử dụng đồng nội tệ.
“Việc kết nạp 3 quốc gia xuất khẩu mạnh các sản phẩm dầu mỏ và năng lượng sẽ mang lại khả năng thanh khoản tiềm năng cho các thành viên BRICS”, ông De Carvalho nói và cho biết hiện tại, các quốc gia này đang chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Đông Á và Ấn Độ vì Mỹ không còn là khách hàng tiềm năng nữa.
Theo nhà nghiên cứu này, việc kết nạp Ai Cập không chỉ đưa một quốc gia Trung Đông khác gia nhập khối, mà nước này còn là thành viên tích cực của Liên minh châu Phi và nền kinh tế lớn thứ 2 ở châu Phi. Ông De Carvalho cũng lưu ý Ai Cập là đối tác thương mại quan trọng của Nga và Trung Quốc, có kênh đào Suez chiến lược.
Bên cạnh đó, ông nhận định Iran rất quan trọng đối với Moskva, vì nước này có thể giúp tạo ra hành lang Bắc - Nam cho phép Nga – nước xuất khẩu ngũ cốc và dầu mỏ lớn – vận chuyển hàng hóa qua Vịnh Ba Tư đến châu Á và châu Phi, mà không cần đi qua Biển Đen hay Bắc Âu.
Về Argentina, theo ông De Carvalho, đây là quốc gia có thu nhập trung bình khá cao. Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do đồng nội tệ mất giá trong những năm gần đây.
Vị chuyên gia này cũng cho biết Ethiopia có dân số đông và nền kinh tế đang phát triển, đồng thời với vị trí chiến lược ở vùng Sừng châu Phi và là trụ sở của Liên minh châu Phi, quốc gia này có tầm ảnh hưởng lớn trong các vấn đề khu vực.
Nhà phân tích địa kinh tế Aly-Khan Satchu nhận định những thành viên mới “nặng ký” của BRICS bao gồm Iran, Saudi Arabia và UAE. Ông cho biết Saudi Arabia và UAE có ngân sách dồi dào và có thể đóng vai trò như nước cho vay khi một thành viên rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính.
Đối với Argentina, ông Satchu bình luận quốc gia này đã “gõ cửa” BRICS và điều quan trọng là phải đưa một quốc gia Mỹ Latinh vào khối dựa trên “quan điểm cân bằng lục địa”.
Nhà phân tích này cũng nói thêm rằng Ai Cập và Ethiopia là những nước có thế mạnh về nhân khẩu học ở châu Phi. Việc kết nạp hai quốc gia này vào BRICS cũng là cách đảm bảo các dự án của khối trong tương lai.
Báo Tin Tức