MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BS Hà Nhật Anh và hành trình 10 năm “tìm con” cho người hiếm muộn

18-09-2024 - 19:30 PM | Sống

BS Hà Nhật Anh và hành trình 10 năm “tìm con” cho người hiếm muộn

BSCKI. Hà Nhật Anh có 10 năm kinh nghiệm trong điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn là một câu chuyện đầy nước mắt. Họ miệt mài suốt 5 năm, 7 năm hay thậm chí hơn 10 năm để kiếm tìm tiếng cười trẻ thơ để tổ ấm vẹn tròn. Vậy nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng, họ vẫn kiên trì, nỗ lực không ngừng và cuối cùng trái ngọt là những thiên thần đáng yêu chào đời. BSCKI. Hà Nhật Anh - Trưởng Đơn vị Hỗ trợ Sinh Sản IVFMD Gia Định, Bệnh viện Đa khoa Gia Định được nhiều người biết đến là một bác sỹ chuyên môn giỏi và "mát tay" trong việc "tìm con" cho những người hiếm muộn.

Bác sĩ Hà Nhật Anh cho biết, trong 10 năm điều trị hiếm muộn, mỗi bệnh nhân của chị lại mang một câu chuyện khác nhau đúng như câu "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Thế nhưng câu chuyện về người phụ nữ 37 tuổi và hành trình 18 năm đi tìm con khiến bác sĩ Hà Nhật Anh vẫn xúc động mỗi khi nhắc lại. Mỗi năm trôi qua, áp lực có con của chị lại càng lớn hơn. Trước khi đến gặp bác sĩ Hà Nhật Anh, chị đã từng điều trị tại một nơi khác và nhận kết quả chọc hút 10 nang nhưng tất cả đều là nang trống, không có trứng càng khiến chị suy sụp.

"Sau khi thăm khám và lên kế hoạch điều trị, chúng tôi tiến hành điều trị lại bằng trứng của chị, chọc hút trứng và thu được 4 trứng. Mặc dù số lượng trứng rất ít nhưng lại là cả niềm hi vọng của chị. Chị bật khóc: "Vậy là em bình thường hả, em cũng có trứng như người ta hả". Sau đó tạo được 1 phôi ngày 3. Tôi xót xa khi nhìn ánh mắt tràn đầy hi vọng của chị khi nói: "Đó là tất cả của em". Trong thời gian chuyển phôi, cả tôi và gia đình chị đều rất lo lắng, mong ngóng từng ngày. Khi có kết quả đậu thai với chỉ duy nhất 1 phôi đó, cả tôi và chị đều không kìm được nước mắt. Bây giờ em bé đã được 7 tháng rồi, mắt to tròn rất đáng yêu", bác sĩ Nhật Anh tâm sự.

BS Hà Nhật Anh và hành trình 10 năm “tìm con” cho người hiếm muộn- Ảnh 1.

Bác sĩ Hà Nhật Anh thấu hiểu những áp lực mà các cặp vợ chồng hiếm muộn phải đối mặt.

Bác sĩ Nhật Anh chia sẻ, các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chịu rất nhiều áp lực từ chính bản thân họ, gia đình, người thân, họ hàng hay thậm chí là người xa lạ. Nhiều trường hợp hiếm muộn con hàng chục năm dù chạy chữa khắp nơi nhưng kinh tế eo hẹp là rào cản khiến họ chưa có cơ hội được làm cha mẹ. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, khát khao "tìm con" trong họ chưa bao giờ tắt.

Bác sĩ Hà Nhật Anh kể: "Một cặp vợ chồng tìm đến tôi sau 3 lần mất con. Chị mang thai được 7 tuần thì không thấy tim thai, liên tục 3 lần như vậy. Sau khi khám, người vợ được phát hiện gặp bất thường về nhiễm sắc thể, điều này sẽ tăng nguy cơ tạo ra những giao tử bất thường mang nhiễm sắc thể bất thường. Lần đầu điều trị, vợ chồng còn trẻ, dự trữ buồng trứng nhiều, tinh trùng tốt và tạo ra được tổng là 5 phôi, nhưng toàn bộ đều bất thường nặng, nguy cơ thai ngưng phát triển rất cao.

BS Hà Nhật Anh và hành trình 10 năm “tìm con” cho người hiếm muộn- Ảnh 2.

Bác sĩ Hà Nhật Anh nhấn mạnh trên hành trình tìm con đầy gian nan này, tình yêu thương, sự vững tin là điều vô cùng quan trọng.

Nhận kết quả, chị khóc rất nhiều và tâm sự về việc vợ chồng chịu có con rất lớn vì chồng chị là con một. Rồi người ngoài xì xào bàn tán: "Sao cưới nhau 2,3 năm mà không có con, cứ bị hư thai, sảy thai hoài". Lúc ấy, chị đứng trước 2 sự lựa chọn một là tiếp tục làm lại bằng trứng của chính mình, hai là xin trứng của người phụ nữ khác đã từng có con. Bên cạnh đó, áp lực kinh tế cũng đè nặng lên đôi vai của họ. Hai vợ chồng đều là nhân viên văn phòng, vừa mới ra trường, dành dụm được một ít đã dồn hết cho lần điều trị đầu tiên.

BS Hà Nhật Anh và hành trình 10 năm “tìm con” cho người hiếm muộn- Ảnh 3.

Bác sĩ Hà Nhật Anh thăm khám cho một bệnh nhân hiếm muộn.

Hai vợ chồng gom góp, vay mượn, ban ngày đi làm văn phòng, tối nhận làm thêm công việc buôn bán, nửa năm sau thì quay lại quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm lần 2. Lần này tạo được 6 phôi trong đó có 2 phôi được ghi nhận kết quả là chưa bất thường, 4 phôi còn lại đều bất thường. Tôi tư vấn cho chị chuyển 1 phôi vì dự phòng các nguy cơ trong thai kỳ như sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật và đái tháo đường. May mắn, kết quả là chị đã mang thai. Khi ấy hai vợ chồng mới vỡ oà hạnh phúc và báo cho gia đình hai bên. Đến nay bé con của hai anh chị đã hơn 1 tuổi. Cuối năm chị sẽ trở lại để chuyển phôi còn lại".

Bác sĩ Hà Nhật Anh nhấn mạnh trên hành trình tìm con đầy gian nan này, tình yêu thương, sự vững tin là điều vô cùng quan trọng. "Cứ đi rồi sẽ đến, dù con đường có nhiều ngã rẽ nhưng cuối cùng cũng sẽ là đích đến", nữ bác sĩ nhắn nhủ.

Ánh Dương

Tổ Quốc

Trở lên trên