BS Nguyễn Anh Tuấn: Sốc phản vệ thuốc tê - một sự ngộ nhận nguy hiểm
Điều mà bác sĩ Tuấn lo ngại nhất đó là trong cộng đồng y khoa ở nước ta có khuynh hướng coi tất cả biến cố xảy ra khi sử dụng thuốc tê là do "sốc phản vệ"...
- 22-03-2018Bộ Y tế lần đầu lên tiếng: “Cáo trạng với BS Hoàng Công Lương chưa thật sự thuyết phục”
- 20-03-2018Vụ BS. Lương: "Giờ đây các bác sĩ có thể vì an toàn mà từ chối cấp cứu khi chưa hoàn tất các thủ tục hành chính"
Theo bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, hiện nay, các đồng nghiệp công tác trong ngành Y, nhất là những đồng nghiệp không làm trong chuyên ngành gây mê hồi sức đang mắc phải ngộ nhận về " sốc phản vệ thuốc tê ".
Phân biệt ngộ độc thuốc tê với dị ứng thuốc tê?
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thuốc tê giống như bất kỳ loại thuốc nào nào đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra vấn đề về dị ứng. Tuy nhiên, nguy cơ dị ứng thuốc tê là cực kỳ hiếm.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề dị ứng của thuốc tê và đều rút ra một kết luận rằng, hiện tượng dị ứng phản vệ với thuốc tê, nhất là các thuốc tê nhóm amid (là các thuốc tê đang được sử dụng phổ biến hiện nay như Lidocaine, Bupivacaine, Levobupivacaine, Ropivacaine) là cực kỳ hiếm hoặc thực sự không tồn tại.
"Gần đây nhất (2017) ở Đan Mạch người ta nghiên cứu trong vòng gần 10 năm (2003-2014) trên 403 người có nghi ngờ phản ứng dương tính khi thử test lẩy da với thuốc tê, sau khi phân tích trong labo đã kết luận không phát hiện trường hợp nào dị ứng thuốc tê thực sự. Trong thực thể, nguy cơ dị ứng thuốc tê là rất rất rất hiếm so với nguy cơ ngộ độc tê", BS Tuấn nhấn mạnh.
Để hiểu rõ về thuốc gây tê, bác sĩ Tuấn cho biết lịch sử sử dụng thuốc tê bắt đầu từ khi một bác sĩ người Áo Koller dùng Cocain - một chất có trong cây Coca có nguồn gốc từ Nam Mỹ để phẫu thuật mắt của một bệnh nhân (1884).
Ngộ độc thuốc tê khác hoàn toàn với sốc phản vệ
Từ đó đến nay, các thuốc tê đã được tổng hợp và được sử dụng rộng rãi trong y khoa. Do đặc tính ức chế tạm thời có hồi phục dẫn truyền thần kinh , trong đó có các dẫn truyền về cảm giác đau nên thuốc tê được dùng rộng rãi trong các phẫu thuật, thủ thuật, can thiệp từ nhỏ đến lớn.
Ngoài ra, thuốc tê còn là loại thuốc dùng để giảm đau rất hiệu quả trong các loại đau cấp liên quan đến phẫu thuật, sinh nở cũng như dùng để điều trị đau trong nhiều bệnh lý khác nhau.
Khi đưa thuốc tê vào cơ thể, thuốc sẽ được hấp thu vào mạch máu. Tính độc của thuốc tê sẽ ảnh hưởng các cơ quan trong cơ thể, ít hay nhiều tuỳ thuộc vào nồng độ thuốc tê trong máu, cũng như phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh.
Hầu hết các trường hợp sử dụng thuốc tê đều an toàn nếu người thầy thuốc tôn trọng những nguyên tắc gây tê, ví dụ như tôn trọng về liều lượng, kỹ thuật gây tê đúng, có tính đến những cơ địa của người bệnh. Khi không tôn trọng những nguyên tắc này, nguy cơ ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra.
Nguy cơ ngộ độc thuốc tê sẽ cao hơn khi dùng thuốc tê ở vùng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng như đầu mặt cổ, khoang miệng, niêm mạc, cơ quan sinh dục. Những người có thể trạng gầy, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh suy gan, thận, tim, trẻ em, người già là những người có cơ địa dễ ngộ độc thuốc tê.
Đặc biệt, có một số người có sự nhạy cảm với liều thuốc tê nên dù có dùng liều thấp, khả năng ngộ độc thuốc tê vẫn có thể xảy ra (hiện tượng này hoàn toàn khác với hiện tượng nhạy cảm theo cơ chế miễn dịch dị ứng). Việc thực hiện gây tê bởi những người không được đào tạo chuyên về gây mê hồi sức cũng là một yếu tố nguy cơ cao gây ra ngộ độc thuốc tê.
Để dễ hình dung, theo BS Tuấn, ngộ độc thuốc tê cũng như tình trạng sử dụng rượu, nồng độ cồn trong máu có thể gây ra hiện tượng say rượu của mỗi người khác nhau nên không thể khẳng định, liều thuốc tê này có thể không gây ngộ độc với người này lại không gây ra ngộ độc với người khác.
Ta lại càng không thể kết luận rằng, đã gây tê an toàn một lần thì lần sau không có nguy cơ ngộ độc thuốc tê.
Biểu hiện ngộ độc thuốc tê như thế nào?
Ngộ độc thuốc tê biểu hiện chính ở hai cơ quan quan trọng: hệ thần kinh trung ương và hệ tuần hoàn. Biểu hiện của ngộ độc thuốc tê trên hệ thần kinh trung ương có thể ở hai dạng, kích thích thần hoặc ức chế.
- Ở trạng thái kích thích: thường là các dấu hiệu sớm của ngộ độc thuốc tê. Người bệnh có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, thay đổi vị giác, nhìn đôi, nói nhảm, co giật một cơ hay nhóm cơ (hay gặp nhất là cơ vùng đầu mặt cổ). Nặng hơn nữa sẽ có tình trạng co giật toàn thân.
- Ở trạng thái ức chế : bệnh nhân ngủ gà, thờ ơ, nặng hơn là hôn mê và ngưng thở.
Cũng như hệ thần kinh, các biểu hiện ngộ độc thuốc tê trên hệ tuần hoàn thể hiện ở hai trạng thái.
- Trạng thái kích thích: thường là xuất hiện trong giai đoạn đầu, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng.
- Trạng thái ức chế: xuất hiện ở giai đoạn muộn. Người bệnh có các dấu hiệu rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, tụt huyết áp, và nặng nhất ngưng tim.
Với các bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức được đào tạo bài bản thì, việc chẩn đoán và xử lý một trường hợp ngộ độc thuốc tê cũng như phân biệt được với các biến cố khác hiếm gặp hơn không khó.
Biểu hiện ngộ độc thuốc tê điển hình thường bắt đầu bằng các triệu chứng thần kinh, sau đó là các dấu hiện tuần hoàn, khác hoàn toàn với các biểu hiện của phản ứng phản vệ thường bắt đầu bằng những dấu hiệu về da, co thắt cơ trơn và rối loạn tuần hoàn.
Một số trường hợp ngộ độc thuốc tê không điển hình như, chỉ có dấu hiệu trên hệ thần kinh trung ương, hoặc dấu hiệu về tim mạch là duy nhất (và thường là các trường hợp ngộ độc thuốc tê nặng).
Với các trường hợp này, cần phải ưu tiên xử lý theo hướng ngộ độc thuốc tê vì việc lúng túng trong chẩn đoán hay nghi ngờ là "sốc phản vệ" chỉ làm mất thời gian vàng để sử dụng Lipid 20% và và có thể dẫn đến kết cục xấu cho người bệnh.
Phác đồ điều trị ngộ độc thuốc tê của Hội Gây Tê Vùng Và Giảm Đau Hoa Kỳ đã khuyến cáo, tất cả những biểu hiện thay đổi về tinh thần hoặc tim mạch của người bệnh khi đang sử dụng thuốc tê dù liều có nhỏ đến đâu, gây tê phương pháp gì cũng phải được coi là ngộ độc thuốc tê chứ không nên nghĩ tới các tình huống khác
Qua mạng xã hội BS Tuấn muốn chia sẻ kiến thức về ngộ độc thuốc tê và cách sử dụng thuốc tê an toàn
Sự ngộ nhận nguy hiểm
Điều mà bác sĩ Tuấn lo ngại nhất đó là trong cộng đồng y khoa ở nước ta có khuynh hướng coi tất cả biến cố xảy ra khi sử dụng thuốc tê là do "sốc phản vệ" (là biến cố cực kỳ hiếm gặp như đã đề cập), mà lại không nghĩ tới ngộ độc thuốc tê (là biến cố hay gặp hơn) khi sử dụng thuốc tê.
Bệnh lý của phản ứng phản vệ (thông qua cơ chế miễn dịch) hoàn toàn khác với bệnh lý của ngộ độc thuốc tê (ngộ độc theo liều).
Phác đồ điều trị hai hiện tượng bệnh lý theo hai cách hoàn toàn khác nhau, về cách sử dụng thuốc cũng như thứ tự các biện pháp ưu tiên hỗ trợ. Việc ngộ nhận này sẽ dẫn tới cách xử lý nhầm lẫn là dùng phác đồ xử lý phản ứng phản vệ để xử lý ngộ độc thuốc tê, và chắc chắn sẽ dẫn tới kết cục vô cùng tai hại.
Kể từ khi cứu một bệnh nhân hôn mê do ngộ độc thuốc tê qua mạng xã hội, bác sĩ Tuấn đã tạo ra một trang facebook lấy tên là "Gây Tê Vùng & Giảm Đau" để chia sẻ kiến thức gây tê và cách sử dụng thuốc tê an toàn. Trên trang này, những kiến thức về ngộ độc thuốc tê liên tục được cập nhật.
Chính vì thế, đã có rất nhiều các trường hợp ngộ độc thuốc tê đã được điều trị kịp thời. Bản thân các bác sĩ sau khi sử dụng phác đồ điều trị cập nhật ngộ độc cũng đã thừa nhận những sai lầm của mình trước đây về "sốc phản vệ thuốc tê".
Việc cần thiết nhất hiện nay là phải huấn luyện cập nhật những kiến thức về ngộ độc thuốc tê cho tất cả nhân viên y tế có sử dụng thuốc tê trong công việc hàng ngày, nếu không chắc chắn những tai biến này sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Trí thức trẻ