BS Nguyễn Lê 12 năm chiến đấu với ung thư gan: "Tôi đã bán sức khoẻ… khi tỉnh ngộ đã muộn"
Từ bác sĩ hoán đổi thành bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Lê đã nhận ra quãng thời gian trước đó đã bán sức khoẻ của mình để tìm kiếm tiền – tài – công danh – địa vị.
Chọn cách đối diện sòng phẳng với ung thư
Là bác sĩ chuyên ngành về gan mật, tiếp nhận khám 80-100 ca bệnh/ngày trong đó có cả bệnh ung thư, bác sĩ Nguyên Lê (Bệnh viện 103) chưa từng nghĩ một ngày nào đó bản thân mình lại bị hoán đổi vị trí từ bác sĩ thành bệnh nhân.
Bác sĩ Lê tình cờ phát hiện ra ung thư gan vào năm 2008, khi mới 38 tuổi. Ung thư là một trong những căn bệnh ác tính có nguy cơ tử vong cao, là một bác sĩ chuyên ngành gan, anh thừa biết điều đó.
Trước đó, anh biết mình bị nhiễm viêm gan vi rút B lây từ bệnh nhân vào năm 1995. Anh cũng luờng trước được hậu quả của viêm gan vi rút sẽ tiến tới xơ gan – ung thư gan nếu không được kiểm soát tốt. Trong suốt 13 năm, bác sĩ Lê nghĩ mình đã kiểm soát được vi rút viêm gan.
Điều anh không ngờ tới là khối u trong gan đã âm thầm xuất hiện lúc nào mà anh không hề hay biết. Khi anh phát hiện ra khối ung thư gan kích thước đã 2cm. Từ một bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân ung thư gan, anh trở thành bệnh nhân ung thư là một cú "sốc" rất lớn.
Bác sĩ Lê có cảm giác phía trước đường đi của mình là một nghĩa địa đang chờ sẵn. 38 tuổi tương lai đang rộng mở, anh chuẩn bị bảo vệ đề tài nghiên cứu sinh, anh cũng vừa đón đứa con trai thứ 2 được 4 tháng…, nhưng giờ anh mang "án tử ung thư" lơ lửng trên đầu.
Bác sĩ Lê phải đứng trước hai sự lựa chọn điều trị ngay tức khắc như các bệnh nhân khác. Hay tạm thời hoãn điều trị để có thời gian thu xếp mọi việc và tìm hiểu cách điều trị tối ưu nhất cho căn bệnh anh đang mắc phải.
"Tôi đã lựa chọn cách thứ 2, tôi cứ sống bình thường có 2- 3 tháng để lo nhưng công việc cho bố mẹ và con cái. Đây cũng là khoảng thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc đời của tôi, khi phải tự tay chuẩn bị cho cái chết của chính mình", bác sĩ Lê chia sẻ.
Trong 3 tháng đó, bác sĩ Lê cũng đọc và tìm hiểu thêm về căn bệnh ung thư mình mắc để lựa chọn cho mình một phương pháp điều trị. Bác sĩ Lê đã gửi hồ sơ bệnh án của mình sang Mỹ, Singapore, Thái Lan… để nhờ bạn bè đồng nghiệp xem giúp.
"Tôi đã chọn cách sòng phẳng đối diện với căn bệnh ung thư. Tôi tiếp tục sống để con trai 4 tháng tuổi có thể nhớ mặt bố và là chỗ dựa tinh thần cho bố mẹ tôi. Cuộc sống không chỉ còn là của riêng tôi mà kéo theo đằng sau là rất nhiều số phận", bác sĩ Lê tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Lê 2 lần phẫu thuật ung thư gan, ảnh BSCC.
Sau đó, bác sĩ Lê đã phẫu thuật loại bỏ khối u, theo dõi và kiểm soát căn bệnh ung thư. Trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư bác sĩ Lê cho rằng tinh thần mới chính là thuốc chữa bệnh quan trọng nhất. Nếu bệnh nhân bi quan thì thuốc tốt, điều trị đúng, bác sĩ giỏi cũng khó có hiệu quả tốt.
Đừng bao giờ chủ quan với sức khoẻ
"Tôi là một bác sĩ nhưng bản chất tôi vẫn là một con người bình thường. Dù tôi là bác sĩ nhưng không nghĩ tôi là một người đặc biệt, có thể chống đỡ được mọi bệnh tật. Thậm chí những người bác sĩ như tôi lại thường rất chủ quan do không có cảm giác sợ.
Tôi đã bán sức khoẻ của mình để tìm kiếm tiền – tài – công danh – địa vị. Tôi đã làm việc ngày đêm để thực hiện cho mưu cầu cuộc sống. Tôi đã không có thời gian dành cho con cái, vợ, bố mẹ.
Tôi ngẫm câu nói: "Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" đúng với bản thân mình. Khi tôi tỉnh ngộ thì đã muộn", bác sĩ Lê nói.
Sau khi mắc bệnh, quan điểm sống của bác sĩ Lê đã khác, anh sống biết yêu bản thân, sống cho gia đình nhiều hơn.
Bác sĩ Lê tâm sự: "Tôi luôn nghĩ có khi mình bị bệnh lại là một điều may mắn vì tôi nhận ra được giá trị sống cho mình. Trước kia tôi tưởng cuộc sống là tiền – tài – danh vọng là quan trọng nhất đối với một con người.
Nhưng nếu có tiền thì khi chết tôi cũng chỉ sống trên đống tiền, cú hích của căn bệnh ung thư đã giúp tôi tự nhân ra chính mình, sống có ý nghĩa hơn. Nếu không bị bệnh tôi sẽ không có thời gian sống cho những điều mình muốn".
Đừng để ung thư giết mình
Để không chết vì bệnh ung thư bác sĩ Lê nhắn nhủ người đồng bệnh những vấn đề sau:
Thứ nhất: Bệnh nhân ung thư sống được chủ yếu không phải do bác sĩ giỏi, cũng không phải do thuốc mà sống được là do chính bản thân mình. Bệnh nhân cần phải xác định tinh thần chấp nhận chiến đấu với nó, nghe ngóng, điều chỉnh bản thân.
Trong quá trình điều trị cần nghe theo bác sĩ, lựa chọn phương án điều trị phù hợp. Rất nhiều bệnh nhân bác sĩ nói không nghe nhưng người hàng xóm, google mách là nghe ngay lập tức.
Không bác sĩ nào bắt bệnh nhân ung thư kiêng khem nhưng bệnh nhân ung thư vẫn sợ không dám ăn: thịt bò, uống đường, sữa. Cá nhân tôi 11 năm nay vẫn ăn thịt bò, uống sữa, uống đường như bình thường.
Hiệu quả điều trị ung thư không phụ thuộc vào bác sĩ mà là sự tương tác của bác sĩ và người bệnh.
Thứ hai: Bệnh ung thư không phải là bệnh của một cơ quan nội tạng trong cơ thể mà là bệnh của toàn cơ thể. Điều trị ung thư là điều trị toàn diện tổng thể là mới hiệu quả.
Thứ ba: Ung thư là bệnh phải theo dõi cả đời vì vậy tuyệt đối không được chủ quan. Ung thư là bệnh mạn tính, không phải bệnh nan y.
Bệnh nhân ung thư tuyệt đối không nên chủ quan phải theo dõi định kỳ để phòng nguy cơ tái phát. Bản thân tôi là một bài học, tôi kiểm soát ung thư được 7 - 8 năm khá tốt và nghĩ mình đã bình thường. Tới năm thứ 9 khi tôi chủ quan thì khối u gan lại xuất hiện.
Thứ tư: Ung thư là căn bệnh khó có thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được. Vì thực tế có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã sống khoẻ mạnh 10 - 15 năm, thậm chí 20 năm.
Ung thư không hề đáng sợ, bệnh chỉ đáng sợ khi mọi người chủ quan, không có kiến thức về nó. Khi đó phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì lúc đó không bác sĩ nào có thể cứu được bệnh nhân.
Đừng để cho mình mắc ung thư
Bác sĩ Nguyễn Lê: Ung thư đừng để minh chết, ảnh BSCC.
Bác sĩ Lê cho rằng, việc dự phòng ung thư không khó. Cái khó là không ai chịu thực hiện, chính bản thân bác sĩ cũng đã phải trả giá. Khi đã bị mắc ung thư bác sĩ Lê mới nhận ra bản thân chưa thực hiện các biện pháp dự phòng ung thư.
Có rất nhiều cách để dự phòng ung thư từ lối sống, ăn uống, luyện tập và tránh yếu tố độc hại.
Tuy nhiên, yếu tố cơ bản trong dự phòng ung thư là khám sức khoẻ định kỳ. Nhưng tại Việt Nam rất ít người làm được điều đó nên bệnh nhân đến viện thường đã ở giai đoạn rất muộn.
"Tôi có nhiều bạn bè đại gia, nhà lầu, xe hơi, tiền tấn nhưng cũng bệnh và ra đi. Có tiền không thể mua được sức khoẻ ai cũng biết nhưng không ai làm. Môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm độc hại, stress cần quan tâm sức khoẻ, mọi người nên có ý thức đi khám sức khoẻ định kỳ 3 -6 tháng/lần.
Khám định kỳ ở đây để phát hiện ra các bệnh lý cơ thể để ngăn chặn dự phòng và điều trị ung thư", bác sĩ Lê nói.
Trí thức trẻ