BSC: "Tâm lý và dòng tiền tích cực trở lại sau dịch bệnh, VN-Index thử thách lại ngưỡng 1.400 điểm vào cuối năm 2021"
Tại kịch bản thứ hai, thị trường được dự báo sẽ diễn biến phân hóa giằng co khi không có nhóm hoặc cổ phiếu lớn dẫn dắt.. VN-Index khả năng tiếp tục duy trì xu hướng giao dịch giằng co 1.300 – 1.360 điểm với sự phân hóa mạnh của các dòng cổ phiếu theo kỳ vọng.
Trong báo cáo mới công bố, CTCK BIDV (BSC) đánh giá lượng ngừng kinh doanh trong ngắn hạn cùng lượng giải thể tiếp tục giảm cho thấy phần nào khả năng thích ứng hoàn cảnh dịch bệnh của khối doanh nghiệp. Bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ tư dần được kiểm soát, tốc độ tiêm vaccine được tiếp tục duy trì tại mức cao, hoạt động sản xuất kinh doanh khả năng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm 2021
BSC điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 3,47%, tuy nhiên cũng chưa thể loại trừ khả năng dịch vẫn tác động tiêu cực một phần, kéo theo GDP tăng thấp, ước đạt mức 2,54%.
Tới cuối tháng 9, giải ngân vốn ngân sách nhà nước ước đạt 276.319 tỷ đồng, giảm 6,88% so với cùng kỳ và bằng 57,3% kế hoạch trong 2021). Trong kịch bản cơ sở, BSC ước tính giải ngân ước đạt 95,89% kế hoạch trong 2021. Bên cạnh đó, tín hiệu phục hồi được củng cố từ nguồn vốn FDI, ước tăng 14,71% so với cùng kỳ trong 2021.
Hiện giá trị nhập siêu cho thấy sự suy giảm khi các doanh nghiệp dần hoạt động trở lại, trong khi nhóm điện thoại linh kiện điện duy trì xu hướng tăng trưởng tốt, đặc biệt là Samsung bán mạnh các mẫu điện thoại mới tại thị trường quốc tế. BSC ước tính tăng trưởng xuất nhập khẩu cho năm 2021 ở mức 19,4% trong khi nhập khẩu duy trì ở mức 30,2% vào năm 2021.
CPI tháng 9 tăng nhẹ hơn tháng trước với mức 2,06 %, tương ứng CPI trung bình lũy kế là 1,82%. BSC tăng dự báo ước tính CPI năm 2021 đạt mức 3,2% - 3,5% chủ yếu do giá lương , thực phẩm và giá dầu đều duy trì đà tăng.
VN-Index thử thách lại ngưỡng 1.400 điểm vào cuối năm 2021.
Về biến động thị trường chứng khoán quý 4/2021, BSC đưa ra kịch bản đầu tiên với việc VN-Index sẽ chuyển biến tích cực sau giai đoạn tích lũy hẹp từ 1.320 – 1.360 điểm nhờ tâm lý và dòng tiền tích cực trở lại sau dịch bệnh. Hoạt động kinh tế đẩy mạnh sau dịch bệnh và khối ngoại không bán ròng quá mạnh sẽ hỗ trợ cho VN-Index duy trì tích cực kiểm tra lại ngưỡng 1.400 điểm vào cuối năm 2021.
Tại kịch bản thứ hai, VN-Index được dự báo sẽ diễn biến phân hóa giằng co khi không có nhóm hoặc cổ phiếu lớn dẫn dắt. Nền kinh tế không thể mở cửa nhanh sau dịch bệnh và khối ngoại duy trì đà bán ròng hiện tại. Theo đó, VN-Index có khả năng tiếp tục duy trì xu hướng giao dịch giằng co 1.300 – 1.360 điểm với sự phân hóa mạnh của các dòng cổ phiếu theo kỳ vọng.
Định giá P/E của VN-Index được dự báo tăng lên mức 17,5 lần do kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua sụt giảm 15- 20% so với cùng kỳ.
Về chiến lược đầu tư quý 4/2021, BSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc các ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư công như xây dựng hạ tầng, nguyên liệu (đá, thép, xi măng, nhựa đường …) do kỳ vọng sẽ hưởng lợi việc đẩy đầu tư công trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, cũng có thể cân nhắc nắm giữ các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ mở cửa như bán lẻ, vận tải, sản xuất; nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như công nghệ thông tin – bưu chính viễn thông; hay các cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu như hóa chất, đá, gỗ, may mặc, thủy sản, logistic... nhờ nhu cầu thế giới hồi phục.
Nhà đầu tư cần giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý, mua và mở mới vị thế khi các cổ phiếu giảm về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn đồng thời tránh việc mua đuổi.