MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: 2 ngày quay đêm, cảm xúc "sởn da gà" đọc hồi ký chiến đấu

07-05-2024 - 09:22 AM | Sống

Để làm mới một đề tài đã có nhiều người khai thác rất là khó nên chúng tôi cũng suy nghĩ để có cách tiếp cận khác đi một chút, nhóm làm phim chia sẻ.

Thời gian qua, một bức ảnh tái hiện lại chiến dịch Điện Biên Phủ có sử dụng AI đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng và được chia sẻ rộng rãi. Hình ảnh này được trích từ bộ phim Điện Biên Phủ: Huyền thoại 56 ngày đêm do 3DART.,JSC thực hiện.

Trong quá trình làm phim và tiếp cận với các tư liệu, hồi kí của các cựu chiến binh, nhóm làm phim đã cảm thấy vô cùng xúc động vì tinh thần chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ và từ đó cố gắng để bộ phim có cách thể hiện mới mẻ so với các bộ phim trước đây - anh Nguyễn Dũng Minh, đại diện nhóm làm phim chia sẻ.

Teaser phim Điện Biên Phủ - Huyền thoại 56 ngày đêm do 3DArt sản xuất


Ý tưởng làm bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đâu?

Đây là “đặt hàng” của Sở Văn hóa tỉnh Điện Biên, được sử dụng để chiếu ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Kế hoạch làm phim Điện Biên Phủ: Huyền thoại 56 ngày đêm cũng bắt đầu từ khá lâu, từ năm 2019. Nhóm chúng tôi đã lên Điện Biên nghiên cứu, đi xem các trận địa pháo trong 3-4 năm. Sau đó do dịch Covid nên tiến độ thực hiện bị chậm lại, đến đầu tháng 1 năm nay thì công việc mới bắt đầu.

Khi bắt đầu triển khai thì những nội dung liên quan đến nhân vật hoặc là liên quan đến cảnh cận đặc tả cảnh chiến đấu, chúng tôi quyết định chuyển sang quay thật kết hợp với xử lý kĩ xảo phông nền 3D.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: 2 ngày quay đêm, cảm xúc

Một cảnh trong phim "Điện Biên Phủ - Huyền thoại 56 ngày đêm". Media: 3dart.vn

Chúng tôi chọn một ngọn đồi ở phim trường Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) để thực hiện các cảnh quay thật này. Sang đến phim trường, việc đầu tiên chúng tôi làm là bứng hết cây ở đó đi để tái hiện lại bối cảnh trận đánh.

Bởi các cứ điểm ở Điện Biên Phủ và hệ thống phòng thủ xung quanh đã biến các ngọn đồi thành đồi trọc. Khi nhảy dù xuống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì quân đội Pháp xây dựng nơi đây trở thành một “cái tổ mối” với hệ thống hầm hào, công sự, bầu không khí chung thì sẽ là một nơi toàn là đất đá trơ trụi không có cây cối, bụi rậm, để không có chỗ ẩn nấp cho phe tấn công. Vì vậy, chúng tôi quyết định bứng hết cây sang một khu đất khác để tái hiện lại không khí ở thời điểm đó, quay xong lại chuyển các cây về.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: Đoàn phim

Thiết kế bối cảnh cho phim tại một ngọn đồi ở phim trường Cổ Loa. Ảnh: 3dart.vn

Từ một góc quả đồi, chúng tôi dựng khoảng độ tầm hai chục mét giao thông hào và một cái lô cốt. Khi quay thì chúng tôi căng khoảng 200m phông xanh có thể di động và thay đổi bối cảnh xung quanh bằng 3D để làm sao xử lý được nhiều cảnh, nhiều góc quay nhất có thể, tạo ra được các không gian khác nhau cho các trận đánh Him Lam, đánh đồi Độc Lập, A1, C1.

Quá trình làm phim của chúng tôi bắt đầu từ giữa tháng 2 và kéo dài gần 3 tháng. Trong đó phần quay thật quay tại phim trường 4 ngày, một ngày là quay nội studio các buổi họp, các cảnh có liên quan đến các nhân vật có thật. Ba ngày hôm sau là quay ngoại, cảnh dân công tải đạn rồi cảnh xung phong công đồn… Kết quả thu được là khoảng tầm 80 cảnh.

Thật sự để làm mới một đề tài đã có nhiều người khai thác rất là khó nên chúng tôi cũng suy nghĩ để có cách tiếp cận khác đi một chút.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: 2 ngày quay đêm, cảm xúc

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: 2 ngày quay đêm, cảm xúc

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: 2 ngày quay đêm, cảm xúc

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: 2 ngày quay đêm, cảm xúc

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: 2 ngày quay đêm, cảm xúc

Phần quay tại phim trường diễn ra trong vòng 4 ngày. Ảnh: 3dart.vn

Anh chia sẻ muốn thể hiện khác đi so với các bộ phim trước đã làm về Điện Biên Phủ. Vậy sự khác biệt là gì?

Chúng tôi đặt kỳ vọng là bộ phim này sẽ thể hiện tổng quan về chiến dịch, từ phân tích thế trận trận ban đầu, bối cảnh, về quyết định đưa ra của cả hai bên, quá trình phải chuẩn bị về hậu cần, chuẩn bị về con người, về những quyết định có tính chất bước ngoặt như thay đổi từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, và ba đợt của chiến dịch. Nên bộ phim lên tới 252 cảnh, với hàng trăm bối cảnh khác nhau.

Sự khác biệt nữa là cố gắng tái hiện lại vùng lòng chảo Điện Biên từ năm 1953 đến 6/5/1954, một cách tương đối chính xác nhất, dựa trên kho không ảnh do anh Võ Quốc Tuấn, một nhà nghiên cứu lịch sử cung cấp. Chúng tôi ghép các không ảnh chụp liên tục, để có được hệ thống cứ điểm Điện Biên Phủ thời điểm 1954 khá chính xác ở các cảnh toàn rộng.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: Đoàn phim

Hệ thống cứ điểm Điện Biên Phủ trong phim được tái hiện bằng cách ghép các không ảnh chụp liên tục. Ảnh: 3dart.vn

Ngoài ra, về mặt ngôn ngữ hình ảnh thì bộ phim là phim tài liệu nhưng về mặt hình ảnh mang tính chất điện ảnh một chút. Ngoài những cái góc máy theo kiểu phóng viên chiến trường, tức là sẽ rung lắc, máy động thì sẽ có những góc tường thuật, hay từ flycam để phong phú về mặt điểm nhìn và hy vọng là sẽ hiệu quả.

Tôi nghĩ rằng việc làm phim này cũng tạo ra một quy trình làm việc tương đối mới với chúng tôi trong việc làm các phim về chiến tranh, lịch sử quân sự. Đó là việc ứng dụng AI trong việc làm cho nhân vật thật hơn và giống hơn.

Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa ngôn ngữ hình ảnh quay thật và 3D một cách mượt mà thì chúng tôi cũng phải bàn bạc, hiệu chỉnh tông màu giữa cảnh quay 3D với cảnh quay thật để không bị chênh khi mà đặt hai phần với nhau và đảm bảo sự hài hòa.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: Đoàn phim

Nhân nói về việc kết hợp AI để xây dựng nhân vật, thời gian qua, một bức ảnh được trích ra từ phim đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Anh có thể kể thêm về quá trình thực hiện các cảnh quay có các nhân vật lịch sử này?

Về bức ảnh đã được mọi người chia sẻ nhiều trong thời gian vừa qua, khi mà tính đến giải pháp quay thật trong các cảnh liên quan đến cuộc họp của Bộ chính trị hay Sở chỉ huy chiến dịch thì điều chúng tôi suy nghĩ nhiều nhất là phải diễn tả được gương mặt của các nhân vật lịch sử thật chuẩn xác.

Cuối cùng, chúng tôi thống nhất phương án quay thật, hóa trang cho các diễn viên tương đối giống và sau đấy thì sẽ can thiệp bằng công nghệ.

Việc này cũng được nghiên cứu khá lâu rồi, ngay từ khi bắt đầu làm phim, chúng tôi đã nghĩ việc kiếm được một diễn viên giống cụ Hồ, cụ Giáp hay các lãnh đạo thì rất là khó, nhất là tái hiện cho ra được thần thái trong ánh mắt và vầng trán cao, rộng, sáng của các cụ.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: Đoàn phim

Lúc đấy cũng phải nhờ “500 anh em” đi casting ở trên các nhóm, tìm kiếm trong bạn bè và những người quen để tìm kiếm những nhân vật tương đối phù hợp. Cuối cùng chốt được dàn diễn viên, đa phần là diễn viên không chuyên, mọi người đều đang đi làm, nhưng đều sẵn sàng xin nghỉ 1 buổi để đi quay.

Ngoài các nhân vật lãnh đạo ở ATK như Bác Hồ, bác Phạm Văn Đồng, bác Trường Chinh thì còn một số cảnh ở Sở chỉ huy chiến dịch có các nhân vật lịch sử khác như bác Giáp (Bí thư-Tổng tư lệnh), bác Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng), bác Lê Liêm (Chủ nhiệm chính trị) và bác Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm hậu cần), bác Lê Trọng Tấn (Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312)...

Những nhân vật đấy chúng tôi sẽ dựa vào các bức ảnh của các cụ và sử dụng AI để thể hiện nét mặt, càng nhiều ảnh, càng rõ ràng thì càng chính xác hơn.

Trong quá trình xây dựng hình ảnh nhân vật, dữ liệu đầu vào rất là quan trọng. Hơn một tháng chúng tôi đi tìm và liên hệ xin, mượn ảnh khắp nơi, bởi vì có nhiều ảnh không có trên mạng, lại cần phải có hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau.

Một số nhân vật như bác Lê Liêm, bác Đặng Kim Giang, bác Lê Trọng Tấn... thì số lượng ảnh không có nhiều, nhất là các ảnh ở thời điểm diễn ra chiến dịch chứ không phải là ảnh sau này vì độ tuổi có sự chênh lệch.

Các phân đoạn liên quan đến diễn xuất cũng gặp khó khăn nhất định bởi vì những buổi họp là những cảnh tương đối tĩnh. Nhưng từ những cảnh tĩnh đó, những thay đổi, động thái rất lớn ở trên chiến trường được đưa ra, tạo nên nền tảng của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: Đoàn phim

Một phần quan trọng trong các phim về đề tài lịch sử là các khí tài quân sự. Trong phim, các chi tiết này sẽ được thể hiện thế nào?

Khi nhắc đến quân đội Pháp thì không thể nào không nhắc đến sự chênh lệch về khí tài quân sự giữa hai bên. Quân đội Pháp được trang bị rất nhiều vũ khí - đa phần được viện trợ từ Mỹ, từ pháo 155 ly, 105 ly, xe tăng, máy bay vận tải, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích… Trong phim chúng tôi cũng có nhiều chi tiết để nhắc đến sự vượt trội về mặt quân sự của Pháp.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: Đoàn phim

Mô hình khí tài được xây dựng cho phim "Điện Biên Phủ - Huyền thoại 56 ngày đêm". Ảnh; 3dart.vn

Quá trình dựng mô hình vũ khí 3D cho phim cũng nghiên cứu khá kỹ với sự giúp đỡ và tư vấn của các chuyên gia nghiên cứu về Điện Biên Phủ.

Ví dụ với xe tăng M24 Chaffee, model phổ biến bây giờ là của Mỹ có ngôi sao trắng, nhưng sau khi được thả dù các bộ phận xuống Điện Biên Phủ thì được lắp ráp lại và sơn rằn ri. Bên cạnh đó, khí tài của Pháp sẽ có biểu tượng cờ Pháp nằm trong vòng tròn, có 3 màu xanh, trắng, đỏ. Trên quần áo cũng sẽ có một số huy hiệu đặc trưng riêng như là tiểu đoàn dù hay lính lê dương…

Từ những chi tiết rất là nhỏ, chúng tôi cũng xác định phải làm kỹ, phản biện qua lại để cố gắng cho sản phẩm mình tốt nhất. Chúng tôi cũng còn trẻ nên không giấu dốt, “dốt thoải mái” và sai ở đâu mình tiếp nhận, chỉnh sửa ở đấy.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: Đoàn phim

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: 2 ngày quay đêm, cảm xúc

Anh có thể chia sẻ thêm kỷ niệm trong lúc làm phim?

Trong quá trình quay ngoại cảnh, các cảnh quay hầu như là quay đêm vì tất cả các trận đánh hay là đào hào đều diễn ra vào ban đêm.

Trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, các chiến sĩ nhiều khi phải ăn cơm giữa cơn mưa tầm tã, vừa tranh thủ ăn cơm vừa đào hào. Điều này khiến cho quân Pháp ở trong trạng thái mệt mỏi vì thường xuyên bị tấn công vào ban đêm, thường xuyên bị đào hào vây lấn vào ban đêm và dần dần cùng với thời gian họ mệt mỏi về tinh thần. Đây cũng là một nguyên nhân chiến thắng mà chúng tôi muốn khắc họa.

Có một cảnh quay trong chiến hào ngập nước, các diễn viên quần chúng phải lội bùn, bò lổm ngổm trong các giao thông hào, trời thì cũng se se lạnh nhưng các diễn viên, dù là không chuyên, cũng rất nỗ lực để hoàn thành cảnh quay. Và họ ai cũng rất vui vẻ rộn ràng, khiến cho anh em trong ê kíp đều cảm nhận được không khí nô nức toàn dân ra trận, bất kể các khó khăn trở ngại.

Hậu trường quay cảnh nổ trong phim "Điện Biên Phủ - Huyền thoại 56 ngày đêm" do 3DArt sản xuất

Khi bức ảnh được chia sẻ nhiều như vậy, cảm xúc của các anh thế nào?

Chúng tôi cũng không ngờ là tấm ảnh viral đến thế. Khi làm phim, mấy anh em động viên nhau mình làm phim với cái tâm tử tế, chắc các cụ phù hộ cho mình được hanh thông.

Chúng tôi tâm niệm phải làm tử tế, làm sao kể câu chuyện thú vị nhất có thể và dựa trên sự nghiên cứu một cách kỹ càng.

Trong chiến tranh, chúng ta có rất nhiều câu chuyện xúc động. Chúng tôi cũng đang ấp ủ làm một bộ phim về lính đặc công Việt Nam đánh sân bay Utapao, trận đánh lừng lẫy vào sào huyệt B52 của Mỹ.

Qua các sự kiện gần đây như bộ phim Đào, phở và Piano “cháy” vé cũng như phong trào cổ phong được các bạn trẻ yêu thích, tôi có niềm tin sau này sẽ càng có nhiều nhà làm phim sẽ để ý đến hướng đi làm phim lịch sử chiến tranh. Tôi tin rằng những bộ phim về đề tài này vẫn có thể chạm được tới giới trẻ, nếu mình có câu chuyện và cách tiếp cận đủ mới mẻ.

Bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ gây bão: Đoàn phim

Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế – Giải pháp Công nghệ 3DART (3DART.,JSC) được thành lập vào năm 2004, khởi điểm từ nhóm 3D Hà Nội – đơn vị tiên phong sử dụng nghệ 3D trong việc phục dựng kiến trúc phố cổ và Thăng Long cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Sau gần 20 năm hoạt động, 3DART đã thực hiện nhiều dự án quảng bá giá trị văn hóa lịch sử của Việt Nam, như Phố Cổ Hà Nội - Dự án phục dựng phố cổ Hà Nội bằng công nghệ 3 chiều, đạt giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội; phục dựng cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh), phục dựng đế bia Sùng Thiện Diên Linh chùa Long Đọi thời Lý, phục dựng phối cảnh tổng thể Kinh thành Huế đầu thời Nguyễn… cũng như tham gia một số dự án phim như Thương nhớ ở ai (VFC), Phượng khấu; Bộ 3 phim: Tây Sơn Tụ nghĩa, Quang Trung đại phá quân Thanh, Trận thủy chiến Rạch Gầm Xoài mút cho Bảo tàng Quang Trung.




Theo Lan Hương | TK: Bạch Quả

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên