MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức thư không gửi tới Bộ trưởng

Hồi cuối tháng Sáu năm 2016, một chuyên gia uy tín nói với tôi, ông muốn viết một lá thư cho Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về những điểm nghẽn thể chế cần phải dỡ bỏ.

Là người gắn bó nhiều năm với doanh nghiệp, ông nói, lá thư sẽ liệt kê hàng loạt những vấn đề như Thông tư 20, kiểm tra formaldehyde, dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất, điều kiện kinh doanh gas, xuất khẩu gạo… Nếu cần, ông sẽ để thư ngỏ. Suy nghĩ một lát, tôi nói chưa nên viết thư.

Lý do là cần thêm thời gian để quan sát xem Bộ trưởng sẽ thể hiện bản lĩnh như thế nào trong vai trò là một nhà chính trị. Những vấn đề trên, phải nói thẳng thắn, thuộc loại nóng bỏng nhất trong môi trường kinh doanh. Có rất nhiều kiến nghị bãi bỏ trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đã lên tiếng, bày tỏ, kiến nghị… mà không sao lay chuyển được.

Một doanh nghiệp dệt may ở TP HCM từng chia sẻ với tôi rằng, ông cảm thấy phẫn uất đến mức chỉ muốn buông bỏ việc làm ăn, thậm chí “ăn thua bằng tay chân” với nhân viên nhà nước, vì bị quy định kiểm định formaldehyde hành hạ khốn khổ ra sao. Có những chủ doanh nghiệp nhỏ kinh doanh gas gặp tôi “khóc” và nói họ chắc chắn sẽ bị phá sản bởi những quy định mới. Có doanh nghiệp phải sang Singapore thành lập để xuất khẩu gạo từ Việt Nam do vướng Nghị định 109. Còn Thông tư 20, khỏi phải nói, đã khiến biết bao doanh nghiệp phá sản.

Nhiều năm, Bộ Công Thương luôn bị xếp hạng cuối về chỉ số cải cách hành chính, theo đánh giá của Bộ Nội vụ. Thậm chí, trong cuộc làm việc ngày 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn chỉ thẳng, Bộ Công Thương là “một trong số ít” bộ ngành bị kêu ca. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận nhiệm vụ đưa con tàu Công Thương vượt biển trong bối cảnh ngổn ngang bao vấn đề cần giải quyết, cần gỡ khó và đòi hỏi trí, lực, bản lĩnh của cá nhân ông.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trên cương vị người đứng đầu ngành Công Thương với báo chí ngày 1/8/2016, tôi chỉ ngồi nghe là chính. Đến gần cuối buổi, tôi hỏi một câu ngắn gọn, “Điều gì làm bộ trưởng đau đầu nhất trong thời điểm hiện tại?”. Lúc đó, công tác nhân sự ở Bộ, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, bán hàng đa cấp, đang tràn ngập mặt báo, gây sức ép vô cùng lớn; và tôi nghĩ, câu trả lời có thể chỉ xoay quanh những vấn đề này. Tuy nhiên, ông trả lời rất ngắn gọn, rằng không hoàn thiện thể chế … để đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, thì ông khó thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào. “Điều làm tôi quan tâm lo lắng, và tập trung sức lực nhiều nhất là cơ cấu lại Bộ, xây dựng thể chế…”.

Một ngày cuối tháng 8, tôi nhận được lời mời tham dự 2 cuộc họp nội bộ của Bộ Công Thương. “Đó là hai cuộc họp rất quan trọng, và Bộ trưởng muốn anh tham dự”, người ta nói với tôi. Cuộc họp thứ nhất xem xét vì sao Bộ bị xếp hạng kém về chỉ số cải cách hành chính; và cuộc họp còn lại xem xét về những quy định cản trở kinh doanh.

Tôi muốn kể lại cuộc họp thứ hai. Đó là cuộc họp rất ít người, chỉ có bộ trưởng, hai thứ trưởng và vài vụ trưởng. Và tôi là phóng viên duy nhất. Giữa lúc cuộc họp đang căng thẳng, văn thư vào đề nghị lấy phòng, vậy là tất cả lại lục tục kéo nhau sang phòng khác. Sự gián đoạn đó, tuy vậy, không là giảm sức nóng. Hầu hết các vụ trưởng đều đưa ra lý lẽ bảo vệ các quy định ngành. Song, khi kết luận, ông Tuấn Anh yêu cầu phải bỏ hết những quy định như kiểm tra formaldehyde, khai báo hóa chất, dỡ bỏ điều kiện kinh doanh gas,…

Tan họp, tôi nhận thấy, nhiều khuôn mặt căng thẳng đi ngang mình, có cả tiếng thở dài sườn sượt. Tôi nói với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, một trong số ít người ủng hộ Bộ trưởng trong cuộc họp, rằng tôi bất ngờ với tư duy thị trường của Bộ Trưởng. Tôi nhớ, ông Khánh đã cười nói, cứ chờ thêm chút thời gian nữa sẽ hiểu. Kể từ đó đến nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã bỏ được nhiều trong những nội dung mà vị chuyên gia uy tín từng muốn liệt kê trong thư. Đó là bãi bỏ những quy định như kiểm tra formaldehyde, dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất, đơn giản hóa gần 30% thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Trong cuộc họp Chính phủ tổng kết năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người chủ trì Nghị quyết 19 của Chính phủ, khẳng định, Bộ Công Thương thực hiện một số cải cách nhỏ, nhưng tạo ra “tác động tích cực và tiết kiệm chi phí lớn” cho xã hội. Chẳng hạn, việc bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may đã giúp tiết kiệm được cả nghìn tỉ đồng chi phí, hàng vạn ngày công cho 6.000 doanh nghiệp dệt may, hàng trăm doanh nghiệp da giầy và hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có liên quan. Hay việc bãi bỏ xác nhận khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp, chưa kể “chi phí phi chính thức” và chi phí đi lại ra Hà Nội, thời gian chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc họp tổng kết năm 2016 của Bộ Công Thương ngày 6/1 nói: “…Đặc biệt, một số thể chế quan trọng để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì các đồng chí làm hết sức tiến bộ và ấn tượng… Có thể nói, đây là Bộ làm việc này (cải cách thể chế) tốt nhất”. Thủ tướng đề nghị cả hội trường vỗ tay biểu dương, điều không xảy ra trong tất cả các cuộc họp tổng kết ngành mà Thủ tướng tham dự trong kịp cuối năm nay.

Cuối tuần trước, hai chuyên gia của CIEM và VCCI nhắc tôi viết bài liên quan đến nỗ lực cải cách thể chế của bộ. “Những điều họ làm là đáng nói trong bối cảnh hiện nay”, hai chuyên gia này nhấn mạnh. Tôi đồng tình với họ. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ, những rào cản thể chế đó cũng chính là do bộ máy dựng lên, và việc “tháo gỡ” nó mới chỉ là một phần công việc. Hơn nữa, một số điều kiện kinh doanh đã được nâng lên thành Luật từ cấp nghị định và thông tư như nhập khẩu ô tô, xuất khẩu gạo, kinh doanh gas, tức là có thể sẽ khó khăn hơn. Mà “tháo gỡ” thì chưa đủ để thể hiện tinh thần “kiến tạo phát triển”. Vẫn cần một sự thay đổi thật sự, xuất phát từ cái tâm và bản lĩnh…

Theo Nhà báo Hoàng Tư Giang

Bộ Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên