MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật

01-06-2021 - 12:00 PM | Tài chính quốc tế

Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật

Bức tranh Salvator Mundi đến nay vẫn là bức họa đắt đỏ nhất thế giới, và cũng gây tranh cãi nhiều nhất. Đi cùng với nó là một vụ kiện kéo dài 6 năm chưa có hồi kết.

Thế giới nghệ thuật từng chứng kiến một vụ kiện pháp lý lớn nhất trong lịch sử, liên quan đến một doanh nhân quyền lực người Nga từng tuyên bố bị lừa hàng trăm triệu đô, khi mua những kiệt tác nghệ thuật với một tay buôn nghệ thuật (art dealer) người Thụy Sĩ luôn khẳng định mình làm đúng luật.

 6 năm trôi qua, vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết. Trái lại, nó mang đến những chuyển biến đầy bất ngờ và kịch tính, đến mức được đặt cho một cái tên giống như kịch bản phim điện ảnh đình đám: "The Bouvier Affair" (tạm dịch: Vụ án Bouvier).

Vụ kiện tỉ đô

Dmitry Rybolovlev - doanh nhân ngành phân bón giàu thế lực của Nga, ông chủ đội bóng AS Monaco - đã truy đuổi Yves Bouvier - một tay buôn tác phẩm nghệ thuật nghệ thuật và có tầm ảnh hưởng đến các kho cảng tự do miễn thuế (freeport) - khắp mọi nơi trên thế giới và trải qua nhiều phiên tòa xét xử. Rybolovlev khẳng định rằng mình đã bị lừa 1 tỉ đô cho 38 kiệt tác nghệ thuật mà Bouvier đã lừa bán cho mình xuyên suốt 1 thập kỷ.

Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật - Ảnh 1.
Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật - Ảnh 2.

Doanh nhân người Nga Dmitry Rybolovlev (trái) và Yves Bouvier (phải)

Nhưng cú twist bất ngờ ập đến, khi chính Bouvier lại tiết lộ rằng y đang chuẩn bị một biên bản pháp lý kiện ngược Rybolovlev với số tiền lên tới 1 tỉ đô, vì cuộc chiến pháp lý đã khiến danh tiếng và công việc của y bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cả hai bên đều đã thuê những đội ngũ luật sư và nhà quản lý danh tiếng, đưa ra các cáo buộc giàu sức nặng, thậm chí là đe dọa và âm mưu chính trị.

Vụ kiện cũng có liên quan đến một số kiệt tác giá trị bậc nhất - và cũng giàu tranh cãi nhất. Trong đó có tác phẩm hội họa đắt nhất thế giới là bức Salvator Mundi vào năm 2013 - một tác phẩm được cho là của Leonardo da Vinci dù gây ra rất nhiều tranh cãi về độ xác thực. Vụ mua bán này, Bouvier dính líu tới trên 50%.

Dù từ lâu đã gây tranh cãi, nhưng bức họa Salvator Mundi vẫn được một tập đoàn đầu cơ nghệ thuật mua lại vào năm 2005, với giá chỉ dưới 10.000 USD. 8 năm sau đó, bức tranh được phục dựng và xác nhận là tác phẩm của thời kỳ Phục Hưng. Lúc này, Bouvier mua lại nó với giá 80 triệu USD với sự giúp đỡ hạ giá của một tay chơi bạc khét tiếng.

Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật - Ảnh 3.

Salvator Mundi - bức họa đắt nhất thế giới và cũng gây tranh cãi nhất

Y nhanh chóng bán lại nó với giá 127,5 triệu USD cho Rybolovlev, lấy 1% tiền hoa hồng. Sau đó vị doanh nhân người Nga đã đưa bức họa lên sàn đấu giá vào năm 2017, đạt mức kỷ lục 450 triệu USD cho một người mua giấu mặt (có tin đồn cho rằng đó là Hoàng tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi). Nhưng dù có bán bức tranh, Rybolovlev vẫn cáo buộc Bouvier lừa mình, trong khi Bouvier một mực phủ nhận.

Rybolovlev từ chối lên tiếng về câu chuyện này, nhưng người phát ngôn của gia đình ông cho biết: "Điều đáng chú ý nhất hiện nay là Bouvier, với tư cách là nhà tư vấn nghệ thuật, đã giả vờ giúp khách hàng mua được các tác phẩm với chi phí 2 tỉ đô, trong khi lén lút đút túi phân nửa số đó."

Bouvier, mặt khác, khẳng định rằng mình chưa bao giờ là "cố vấn nghệ thuật" cả, trong khi đây vốn là yếu tố Rybolovlev dựa vào để kiện. "Tôi là người buôn. Các hợp đồng giữa luật sư của Rybolovlev và toàn bộ hóa đơn chứng từ đều thể hiện rõ ràng tôi là người bán."

Nhưng đằng sau câu chuyện này còn những vấn đề rắc rối hơn đối với các nhà hành pháp với thị trường nghệ thuật toàn cầu. Các tác phẩm có thể trở thành một thứ hàng hóa để chuyển tiền một cách thoải mái mà không cần bất kỳ sự giải trình nào.

Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật - Ảnh 4.

Đấu giá bức Salvator Mundi tại nhà đấu giá Christie - New York năm 2017

Riêng tác phẩm Salvator Mundi thì chưa từng xuất hiện trở lại kể từ khi phá kỷ lục giá bán. Tuy nhiên vào tháng 4/2021, bức tranh một lần nữa trở thành chủ đề tranh cãi giữa Arab Saudi và Pháp, về những nghi ngờ liên quan đến tính xác thực của tác phẩm, và yêu cầu được trưng bày nó tại bảo tàng Louvre.

Theo đó trong phim tài liệu The Savior For Sale, Pháp cho rằng Hoàng tử bin Salman đã yêu cầu phải được trưng bày bức tranh cạnh bức Mona Lisa để chứng minh đó là tác phẩm của Leonardo, bất chấp những tranh cãi về tính xác thực. Chính phủ Pháp quyết định không trưng bày bức tranh nữa vì không thể đáp ứng điều kiện này. Dẫu vậy, bức tranh vẫn là một chủ đề gây tranh cãi, xem liệu đây có phải là tác phẩm của chính Leonardo hay chỉ do xưởng vẽ của ông thực hiện. Kết luận cuối cùng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến giá trị của bức tranh, vì hiện tại chỉ có dưới 20 tác phẩm được xác nhận là của Leonardo tạo ra mà thôi.

Tính xác thực của bức tranh

Ngay cả những ai muốn thu lợi từ bức tranh cũng thấy nghi ngờ về tính xác thực của nó.

Trong các email Bouvier cung cấp cho CNN có đoạn hội thoại giữa y và đại diện của Rybolovlev, với lời tư vấn rằng bức họa này dù tuyệt đẹp nhưng không phải là một khoản đầu tư tốt. Nó đã phải phục hồi rất nhiều - Bouvier viết như vậy, và các chuyên gia nghi ngờ tác phẩm này không hoàn toàn do Leonardo thực hiện. Vatican và các bảo tàng lớn trên thế giới cũng không tỏ ra mặn mà sở hữu nó.

Trong một email khác, Bouvier viết rằng "bất kỳ sở hữu bức tranh 'không ai muốn' với mức giá quá cao sẽ trở thành một 'con gà' đúng nghĩa, và là trò cười trên sàn chứng khoán, mất đi danh tiếng của mình".

Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật - Ảnh 5.

Dẫu vậy, Bouvier vẫn xoay sở mượn được bức Salvator Mundi (với khoản đặt cọc 63 triệu đô) từ sàn đấu giá Sotheby, rồi gửi tới căn penthouse của Rybolovlev tại Manhattan.

Antoine Vitkine - một nhà sản xuất phim tài liệu chia sẻ, với những gì ông biết về Bouvier - vốn là kẻ ngoại đạo với nghệ thuật, thì việc y nghi ngờ tác phẩm là điều khá khó hiểu, trong khi nhiều chuyên gia danh tiếng hơn đã lên tiếng chứng thực cho Salvator Mundi. Thậm chí, họ sẵn sàng đặt cược danh tiếng vốn sẽ cao hơn Bouvier rất nhiều, nhưng vẫn rất thoải mái để làm điều đó.

Sự trở lại cay đắng

Bouvier luôn phủ nhận mọi cáo buộc lừa đảo do Rybolovlev đưa ra. Suốt 6 năm qua, Bouvier phải chống lại các cáo buộc pháp lý của Rybolovlev tại Monaco, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc). Trong đó có cả vụ kiện trị giá 380 triệu đô nhắm đến sàn đấu giá Sotheby với cáo buộc đã tiếp tay cho Bouvier thổi giá tác phẩm tại New York.

Bouvier cho biết, các cuộc chiến pháp lý khiến cuộc sống của y đảo lộn. "Tôi từng là một nhà kinh doanh, với rất nhiều doanh nghiệp xuyên suốt 50 năm," - y chia sẻ. "Nhưng kể từ lúc đó (vụ kiện Salvator Mundi), tôi phải dành toàn thời gian để bảo vệ bản thân và danh tiếng của mình."

"Các anh phải hiểu mọi chuyện tệ thế nào. Tôi bị vào danh sách đen của các nhà đấu giá, ngân hàng không cho tôi vay tiền, và tôi phải bán dần tài sản của mình để duy trì công ty."

Mặt trái đen tối của thế giới nghệ thuật

Ben Lewis, tác giả cuốn The Last Leonardo đã mô tả lại các drama xung quanh bức họa Salvator Mundi. Cuộc chiến pháp lý giữa Bouvier và Rybolovlev đã hé lộ những sự thật tăm tối xung quanh thị trường hội họa vốn rất mù mờ này.

"Vụ án Bouvier là một ví dụ điển hình cho thấy sự sai trái xảy ra như thế nào trong thị trường nghệ thuật mờ ám và không rõ ràng," - Lewis nhận định. "Thiếu minh bạch, lòng tham, trốn thuế, rửa tiền, thiếu trung thực trong lịch sử nghệ thuật, tham nhũng, lạm quyền. Ý tôi là, mọi thứ đều có thể xảy ra."

Tuy nhiên, chuyên gia nghệ thuật Kenny Schachter bác bỏ nhận định này. Tính mờ ám và vụ kiện liên quan đến Salvator Mundi không đại diện cho tất cả các giao dịch của thế giới này.

"Người ta luôn nói rằng thế giới nghệ thuật thiếu đi sự quản lý và tồn tại mặt tối, nhưng đó là nói quá," - Schachter chia sẻ, đồng thời cho biết sự tham nhũng của lĩnh vực này nếu có thì cũng không hơn gì so với các mảng khác như bất động sản, trang sức và ngân hàng. "Khi có quá nhiều tiền, ắt sẽ có những bất ổn xảy ra."

Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật - Ảnh 6.

Dẫu vậy, sự mờ ám có tồn tại ở thế giới này. Bouvier không chỉ giúp người giàu mua các tác phẩm giá trị, mà sự nghiệp của y được xây dựng còn nhờ việc giúp họ giấu kín các tác phẩm đó. Ngoài việc là nhà đầu tư của kho cảng tự do Geneva (Thụy Sĩ) - một kho khổng lồ với bảo mật cực cao, Bouvier còn lập ra những kho cảng mới tại Luxembourg và Singapore nữa.

Theo một báo cáo điều tra năm 2020 từ Thượng viện Hoa Kỳ, có ít nhất 2 doanh nhân quyền lực khác của Nga đã lợi dụng sự mờ ám của thế giới nghệ thuật để trốn tránh trách nhiệm pháp luật. Báo cáo này khiến giới thượng nghị sĩ đòi hỏi cần có sự minh bạch hơn trong các giao dịch tác phẩm nghệ thuật.

Lewis nhận định, các kiệt tác nghệ thuật là cách để gói hàng triệu dollar vào một kiện hàng nhỏ gọn. "50 triệu đô đặt trong chiếc vali phải không? Và ai là người biết giá trị thật của nó chứ?"

Liên minh châu Âu (EU) và Anh Quốc hiện đã siết chặt các quy định liên quan đến giao dịch tác phẩm nghệ thuật, đưa nó đi cùng luật chống rửa tiền vào năm 2020. Các quy định yêu cầu sàn đấu giá và nhà buôn nghệ thuật phải thẩm định với các khách hàng mới, cho bất kỳ giao dịch nào vượt quá 12.000 USD.

Bức tranh đắt bậc nhất lịch sử hội họa và vụ kiện tỉ đô tiết lộ mặt trái đen tối cùng cực của thế giới nghệ thuật - Ảnh 7.

Kenny Schachter lại lưu ý rằng việc cất giữ tác phẩm nghệ thuật trong kho cảng là khá phổ biến, thường là với lý do cũng hợp lý như không có đủ không gian để treo quá nhiều tác phẩm.

"Một nhà sưu tầm thật sự sẽ không quan tâm đến chuyện thiếu không gian, thậm chí là thiếu tiền, bởi họ sẽ tìm mọi cách để có nó. Đôi khi là bất hợp pháp, nhưng đa số là không," - ông cho biết. "Tôi không nghĩ rằng ai trong thế giới này cũng 'sạch', nhưng không có nghĩa các kho cảng ra đời chỉ để trốn thuế hoặc rửa tiền."

Nhân vật chính vẫn... mất tích

Nhân vật chính ở đây là bức Salvator Mundi. Nó đang ở đâu? Đó là câu hỏi mà hiện không một ai trong giới nghệ thuật trả lời được.

Bouvier cho biết, y nghi ngờ báo cáo gần đây ghi nhận bức tranh được treo ở du thuyền của Hoàng tử bin Salman vào năm 2019. "Để đặt một bức tranh giá trị cao như vậy trên du thuyền, nơi có quá nhiều hơi ẩm, là thực sự ngu ngốc. Tôi không tin ai mua tranh có thể đưa ra quyết định như vậy."

"Có thể một ngày nào đó nó xuất hiện trong bảo tàng Louvre của Abu Dhabi? Ai mà biết chứ?"

Lewis thì nghĩ bức tranh đang nằm trong cung điện của Arab Saudi, chờ đợi được công bố - có thể là vào cuối năm nay - theo chiến dịch quảng bá về nghệ thuật và văn hóa của vương quốc này.

"Điều quan trọng nhất của thị trường này, đó là đằng sau các tác phẩm nghệ thuật thường là những động cơ khác. Salvator Mundi mang nghĩa 'Cứu tinh của thế giới'. Nhưng trong trường hợp này, có vẻ nó có nghĩa 'Cứu tinh của Arab Saudi' thì đúng hơn."

Nguồn: CNN

Theo J.D

Pháp luật và bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên