Bức tranh ngân hàng đầu tư châu Á: Ngân hàng Mỹ áp đảo, châu Âu bết bát
Chí ít là tại Châu Á, trong khi các tổ chức tài chính Mỹ đang chiếm vị trí ngày càng cao trên bảng xếp hạng ngân hàng đầu tư; thì các ngân hàng đến từ châu Âu đang “chìm xuồng”.
- 20-03-2017Fintech là gì mà lại được coi là cuộc cách mạng đe dọa hệ thống ngân hàng toàn cầu?
- 17-03-2017Chân dung "sếp nhà người ta" bán ngân hàng lấy 60 triệu USD chia cho tất cả nhân viên
- 09-03-2017Nhờ Trump, các ngân hàng sắp đón "cơn mưa tiền"?
Các ngân hàng Mỹ đã giành được 1 bàn thắng trước các ngân hàng châu Âu.
Chí ít là tại Châu Á, trong khi các tổ chức tài chính Mỹ đang chiếm vị trí ngày càng cao trên bảng xếp hạng ngân hàng đầu tư; thì các ngân hàng đến từ châu Âu đang “chìm xuồng”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Phố Wall đang chiếm ưu thế. “Triều đại” của các ngân hàng phố Wall có thể kéo dài bao lâu phụ thuộc phần lớn vào FICC - mảng kinh doanh trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa.
Theo dữ liệu do các nhà nghiên cứu tại Coalition cung cấp, doanh thu của các ngân hàng đầu tư tại Châu Á Thái Bình Dương đã giảm 7% trong năm 2016, cao hơn khá nhiều so với mức suy giảm 2% trên toàn cầu.
Doanh thu của năm 2016.
Sau khoản phạt do rửa tiền và thao túng lãi suất, Deutsche Bank AG đã đánh mất vị trí đầu bảng tại Châu Á. Ngược lại, JPMorgan Chase đã mở rộng mảng FICC và giao dịch chứng khoán, nhanh chóng tăng sáu bậc lên vị trí đứng đầu.
Năm ngoái, JPMorgan đạt doanh thu 3,3 tỉ USD nhờ các hoạt động ngân hàng đầu tư (bao gồm tự doanh và các hoạt động trên thị trường vốn, thị trường nợ và tư vấn M&A). Mức doanh thu này tương đương với doanh thu năm 2015 của Deutsche Bank khi ngân hàng này còn giữ vị trí số một.
Nắm giữ vị trí thứ hai là Tập đoàn Citigroup, theo sát là Morgan Stanley. Tập đoàn Goldman Sachs dừng chân ở vị trí thứ 6. Tập đoàn này đã giải thể 30 chi nhánh ở châu Á, chủ yếu là tại Hồng Kông và Singapore bởi các ngân hàng Trung Quốc đã “nuốt chửng” toàn bộ thị phần của các ngân hàng phương Tây trong "chiếc bánh IPO” và môi trường kinh doanh tại Đông Nam Á ảm đạm.
Sự tuột dốc của Deutsche Bank không phải là điều đáng ngạc nhiên, đặc biệt là sau hàng loạt các rắc rối liên quan tới ngân hàng này. Nhiều tổ chức tài chính Châu Âu khác cũng đã và đang thu hẹp quy mô tại Châu Á. Barclays Plc đã đóng cửa một công ty chứng khoán tại Châu Á. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, Royal Bank của Tập đoàn Scotland Group Plc đã biến mất khỏi châu lục này. Bên cạnh đó, Standard Chartered Plc lại thu hồi toàn bộ cổ phiếu trên toàn cầu.
Trung Quốc đang siết chặt và hạn chế các doanh nghiệp trong nước thực hiện những thương vụ ở nước ngoài. Vì vậy, có lẽ 2017 không phải là 1 năm thuận lợi với các ngân hàng đầu tư xét về khía cạnh M&A. Tuy nhiên, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục, cổ phiếu có thể một lần nữa trở thành nguồn doanh thu quan trọng, tương tự như một trường hợp xảy ra vào tháng 6 năm 2015, trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào khủng hoảng.
Đây sẽ là một lợi thế cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên TTCK châu Á, ví dụ như UBS Group AG. Đồng thời, các ngân hàng Trung Quốc cũng được lợi không nhỏ nếu kịch bản trên xảy ra; bởi những tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong thị trường IPO tại Hồng Kông với nhiệm vụ trợ giúp các công ty đại lục bán cổ phiếu.
Mặc dù tính từ đầu năm tới nay, khối lượng giao dịch tại Châu Á Thái Bình Dương đã giảm 10,5%, vẫn có một vài “điểm sáng” nổi bật như thị trường Hồng Kông, Malaysia, Ấn Độ và Đài Loan.