MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh ngành năng lượng khu vực ASEAN 2021: Liệu Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn năm 2022?

Bức tranh ngành năng lượng khu vực ASEAN 2021: Liệu Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn năm 2022?

Tạp chí The Diplomat (Hoa Kỳ) đưa tin, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, nhưng năm 2021, khu vực ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực năng lượng, cũng như ổn định kinh tế.

Dầu khí sẽ phục hồi vào năm 2022?

Theo báo cáo ASEAN Oil and Gas Updates 2021, dự trữ dầu và khí đốt lần lượt giảm 20% và 35% so với mức năm 2010, làm gia tăng mối lo ngại về an ninh nguồn cung trong tương lai. Điều này dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên, và giá điện tăng đột biến, điển hình tại Philippines và Singapore.

Tuy nhiên, xu hướng này được dự báo sẽ kết thúc trong năm 2022. Khi sản lượng dầu thô của Campuchia giảm hồi tháng 3 năm ngoái, Brunei đã tuyên bố bắt đầu thăm dò dầu nước sâu, làm dấy lên hy vọng về sự thay đổi kinh tế mạnh mẽ, với mức tăng sản lượng dầu gấp 3 lần vào năm 2025.

Trong quá trình chuyển đổi năng lượng, khí tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc vừa đáp ứng nhu cầu điện năng tăng vọt, vừa là nhiên liệu chuyển tiếp để hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn.

Các dòng doanh thu lớn như dầu và khí đốt là nền tảng quan trọng để bù đắp những thiệt hại mà nền kinh tế đã trải qua trong 2 năm. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, quá trình thăm dò dầu khí phải được kết hợp với việc áp dụng các công nghệ carbon thấp, nhằm đảm bảo tương lai năng lượng bền vững.

Thoả thuận bỏ than đá của các nước ASEAN

Than là một nguồn năng lượng quan trọng, song tác động môi trường lại ngày càng đáng lo ngại. Theo đó, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam và hơn 40 quốc gia đã đạt thỏa thuận bỏ dần việc sử dụng than đá trong phát điện. Điều này cũng thúc đẩy các quốc gia thành viên ASEAN và các bên liên quan trong khu vực nhanh chóng thay đổi chính sách năng lượng.

Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo điện 8) lần thứ 3 của Việt Nam cũng nêu rõ mục tiêu dùng khí đốt tự nhiên để thay thế than trong thập kỷ tới. Malaysia đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 31% tổng năng lượng vào năm 2025 và giảm công suất than thêm 4,2 gigawatt trong hai thập kỷ tới.

Ba tuần trước COP26, Indonesia đã thông qua RUPTL - kế hoạch điện lực từ giai đoạn 2021-2030 nhằm loại bỏ việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai, đồng thời tăng phân bổ năng lượng tái tạo lên 52%. Philippines cũng đang bắt kịp tốc độ bằng cách lên kế hoạch ngừng hoạt động 10 nhà máy nhiệt điện than, và tạm dừng dần các dự án phát điện than mới.

Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn

Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang chứng kiến một cuộc "cải tổ lớn". Theo báo cáo ASEAN Power Updates 2021, năng lượng tái tạo chiếm gần 34% ngành điện ASEAN vào năm 2020, đồng nghĩa với việc chỉ còn 1,5% nữa là đạt mục tiêu năm 2025 của khu vực.

Đặc biệt, Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với năng lượng tái tạo nhờ các điều kiện và chính sách thuận lợi. Năm ngoái, Việt Nam đã công bố mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, nơi gần 1/4 công suất điện gió đang hoạt động. Trước đó, Mitsubishi đã đầu tư vào một dự án nhà máy điện gió lớn ở Lào cung cấp điện cho Việt Nam. Đây sẽ là dự án điện gió trên bờ lớn nhất tại Đông Nam Á.

Câu hỏi lớn đối với lĩnh vực năng lượng ASEAN năm 2022

Cùng với các vấn đề ổn định lưới điện, việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng khu vực ASEAN đã trở thành thách thức vào năm 2021. Mới đây, Malaysia đã thông báo sử dụng phần mềm Capgemini và Google Cloud để triển khai cơ sở hạ tầng API cho nhà cung cấp điện lớn nhất quốc gia Tenaga Nasional Berhad.

Trong khi đó, hồi tháng 5, Cloud Energy - startup công nghệ tại Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT (Internet of Things - Internet Vạn Vật) đã phát triển mạng lưới giám sát không dây để hỗ trợ phân bổ nguồn điện. Dự thảo Điện 8 của Việt Nam cũng nêu rõ việc phân bổ 32,9 tỷ USD giai đoạn 2021-2030 nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng lưới điện.

Nhìn chung, đảm bảo ổn định lưới điện vẫn sẽ là mục tiêu chính của chính phủ các nước ASEAN, đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19, khi nguồn cung cấp điện rất quan trọng cho việc lưu trữ vaccine COVID-19 và khả năng phục hồi của hệ thống chăm sóc sức khoẻ.

Cuối cùng, câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu ASEAN có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, trong khi vẫn duy trì khả năng phục hồi năng lượng?

https://cafef.vn/buc-tranh-nganh-nang-luong-khu-vuc-asean-2021-lieu-viet-nam-tiep-tuc-la-diem-den-dau-tu-hap-dan-nam-2022-20220201223232649.chn

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên