Bức tranh ngành phân bón năm 2019: Lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp trên sàn đều giảm sút
Năm 2019 hầu hết các doanh nghiệp ngành phân bón đều có doanh thu và lợi nhuận giảm sút.
Nhắc đến các doanh nghiệp ngành phân đạm, chúng ta thường nhớ ngay đến các thương hiệu phân đạm nổi tiếng như Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM) hay Đạm Hà Bắc (DHB), phân bón đầu trâu Bình Điền, phân lân Ninh Bình...Ngoài ra còn những cái tên như Super Phốt phát và Hòa chất Lâm Thao (LAS), Phân bón Miền Nam (SFG)...
Năm 2019 nhìn chung kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành phân đạm sụt giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu vì giá vốn tăng do biến động giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, các sản phẩm phân bón trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của hàng nhập khẩu, chủ yếu đến từ các nước như Trung Quốc, Nga, Indonesia, Malaysia… do lợi thế công nghệ sản xuất, và đa phần là các nước thuộc khối ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định ATIGA.
Đạm Cà Mau doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm
Ví dụ như Đạm Cà Mau doanh thu năm 2019 tăng 5,3% so với năm 2018, lên 7.042 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế giảm đến 35% còn 429 tỷ đồng.
Chiếm phần lớn, đến khoảng 78% tổng doanh thu năm 2019 của Đạm Cà Mau là doanh thu bán thành phẩm Ure. Còn lại là doanh thu bán phân bón và bao bì, Amoniac... Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến doanh thu tăng và lợi nhuận giảm chủ yếu do chi phí giá vốn tăng mạnh. Lượng hàng tồn kho đến cuối năm cũng tăng mạnh 33%, lên gần 1.310 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tăng giá trị tồn kho nguyên liệu và tồn kho thành phẩm.
Cùng với lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau cũng giảm từ 21,5% năm 2018 xuống còn 13,6% năm 2019 vừa qua.
Giá cả các mặt hàng nông sản cũng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ phân bón của người nông dân. Trong đó, yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đó là khí hậu, mùa vụ. Năm 2019 được xem là có nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi trồng trọt do sự biến đổi của thời tiết.
Nhận định tình hình năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn, trước đó Đạm Cà Mau cũng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 với ước tính đạt hơn 7.956 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với kết quả đặt ra cho năm 2019. Tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ hơn 57 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 52 tỷ đồng. Về sản lượng kinh doanh, năm 2020 dự kiến bán 693,24 nghìn tấn Đạm Cà Mau, 160 nghìn tấn NPK và khoảng 185 nghìn tấn phân bón tự doanh. Kế hoạch kinh doanh của công ty tạm tính theo phương án giá dầu năm 2020 đạt bình quân 60USD/thùng.
Đạm Phú Mỹ báo lãi 389 tỷ đồng năm 2019
Đạm Cà Mau là số ít doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng so với năm 2018, còn lại các doanh nghiệp khác trong ngành hầu như đều có doanh thu giảm sút. Đạm Phú Mỹ báo cáo doanh thu năm 2019 giảm 17,4% so với cùng kỳ, còn 7.684 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến 45,5% xuống còn 389 tỷ đồng.
Nguyên nhân lợi nhuận năm 2019 giảm sút chủ yếu vẫn do chi phí giá vốn tăng cao. Lượng hàng tồn kho đến cuói năm 2019 goảm hơn 300 tỷ đồng xuống 1.350 tỷ đồng.
Phân bón Bình Điền (BFC) có doanh thu giảm gần 4% xuống còn 6.132 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí giá vốn tăng, cộng với chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cùng tăng khiến cho lợi nhuận sau thuế cả năm giảm gần 2/3 so với cùng kỳ còn hơn 94 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho cuối năm giảm 550 tỷ đồng, xuống còn hơn 1.347 tỷ đồng.
Đạm Hà Bắc đã âm vốn chủ sở hữu
Bên cạnh những doanh nghiệp dù lợi nhuận giảm nhưng vẫn ghi dương, thì cũng có những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ triền miên như Đạm Hà Bắc với việc lỗ 5 năm liên tiếp. Riêng năm 2019 Đạm Hà Bắc lỗ hơn 636 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên đến 3.285 tỷ đồng, đã âm vốn chủ sở hữu hơn 516 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến Đạm Hà Bắc liên tục lỗ, ngoài việc chi phí giá vốn tăng, còn bởi công ty đang gánh khoản nợ lớn khiến cho chi phí tài chính trong năm là những con số khổng lồ, trên 867 tỷ đồng năm 2019 và 826 tỷ đồng cho năm 2018. Phần lớn khoản chi phí tài chính này là chi trả lãi vay.
BCTC công ty thể hiện đến cuối năm 2019 Đạm Hà Bắc còn vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.203 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 6.283 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn 6.486 tỷ đồng.
Vẫn còn đó nhiều doanh nghiệp có lượng tiền dồi dào
Trên BCTC quý 4/2019 của Đạm Cà Mau thể hiện, ngoài khoản tiền và tương đương tiền hơn 471 tỷ đồng, Đạm Cà Mau còn có hơn 2 nghìn tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tại các ngân hàng.
Còn Đạm Phú Mỹ ghi nhận khoản tiền và tương đương tiền đến cuối năm gần 3.000 tỷ đồng, tăng 1.260 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó tiền mặt tại quỹ gần 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó Đạm Phú Mỹ còn khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng trị giá hơn nghìn tỷ đồng.
Triển vọng năm 2020
Về triển vọng trong năm 2020, VDSC cho rằng doanh số bán hàng có khả năng cải thiện nhẹ từ vùng thấp điểm trong năm 2019 tuy nhiên vẫn chưa thể quay về mức cao điểm như các năm trước do triển vọng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động trồng trọt được dự báo vẫn còn khó khăn.
Về mặt lợi nhuận, VDSC dự báo sẽ có sự cải thiện nhẹ toàn ngành nhờ biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp lớn như Bình Điền, Đạm Phú Mỹ cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm trong khi các chi phí bán hàng được duy trì.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KẾT QUẢ KINH DOANH 2019
Xem tất cả >>- Có hơn 50 doanh nghiệp lãi nghìn tỷ năm 2019
- Doanh nghiệp than kinh doanh tốt, cổ phiếu vẫn ế ẩm
- Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt lãi vượt kế hoạch 2019
- Mía đường Sơn La (SLS) báo lãi ròng quý 2 niên độ 2019-2020 tăng gấp rưỡi cùng kỳ
- Năm 2019 công ty mẹ Minh Phú (MPC) báo lãi 649 tỷ đồng giảm 9% so với cùng kỳ