MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt lãi vượt kế hoạch 2019

Mặc dù báo lãi vượt kế hoạch nhưng không ít doanh nghiệp cảng biển có mức lợi nhuận sụt giảm so với 2018.

Các doanh nghiệp cảng biển niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã công bố BCTC năm 2019, trong khi có những doanh nghiệp vẫn đạt được sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận thì không ít doanh nghiệp trong nhóm này lại có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.

Doanh thu giảm hoặc tăng nhẹ

Xu hướng chung năm nay của đa số nhóm cảng biển là giảm hoặc tăng nhẹ doanh thu, đi cùng là việc biên lợi nhuận bị thu hẹp. Trong đó đối với ông lớn của ngành là Gemadept (GMD) mặc dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh khai thác cảng của Gemadept tăng 3,4% nhưng lĩnh vực logistics không còn được hợp nhất các công ty liên doanh do đã bán vốn năm trước, nên nguồn thu của doanh nghiệp cảng này giảm 9% so với năm 2018. Tương tự Cảng Đình Vũ (DVP), Cảng Đà Nẵng (CDN) và Cảng Cam Ranh (CCR) cũng có doanh thu năm 2019 giảm so với 2018.

Tiếp đó một số doanh nghiệp cảng biển khác gồm Cảng Hải Phòng (PHP), Vinconship (VSC), Xếp dỡ Hải An (HAH), Cảng Xanh Vip (VGR) cũng chỉ có mức doanh thu tăng nhẹ dưới 6% trong năm 2019. Cảng Đoạn Xá (DXP), Cảng Đà Nẵng (CDN) và Cảng Đồng Nai (PDN) nằm trong số ít doanh nghiệp vẫn giữ được tăng trưởng mức hai con số và cải thiện được biên lợi nhuận trong năm nay. Trong đó PDN cho biết cạnh tranh không gay gắt cùng việc đầu tư mở rộng diện tích kho bãi giúp Công ty thuận lợi cho việc khai thác hàng hóa.

Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt lãi vượt kế hoạch 2019 - Ảnh 1.

Cùng với sự sụt giảm về doanh thu thì biên lãi gộp của các doanh nghiệp cảng biển lại vẫn được cải thiện nhờ tiết kiệm chi phí giá vốn.

Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt lãi vượt kế hoạch 2019 - Ảnh 2.

Lợi nhuận: Ngược chiều tăng giảm

Mức sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất thuộc về Gemadept (GMD), công ty này báo lãi ròng chỉ đạt 515 tỷ đồng giảm mạnh so với cùng kỳ do năm 2018 công ty nhận được lợi nhuận từ việc chuyển nhượng một phần vốn, tuy nhiên lợi nhuận từ hoạt động SXKD tăng 95,7 tỷ đồng do tăng hiệu quả của hoạt động khai thác cảng và logistics. Tiếp đó Vinconship (VSC), SGP, HAH, VGR, DVP lần lượt công bố mức sụt giảm doanh thu từ 9,8% đến 22%, Cảng Cát Lái cũng báo lãi giảm nhẹ 2,2% so với 2018.

Ở chiều ngược lại Cảng Cam Ranh (CCR) báo lãi tăng trưởng mạnh nhất, tăng 56% so với cùng kỳ, công ty cho biết sản lượng hàng khai thác qua cảng tăng và tăng ở mặt hàng rời xuất khẩu và hàng thiết bị cấu kiện nhập khẩu, do vậy lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp khác trong ngành cảng biển cũng thông báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm nay là Cảng Đoạn Xá (DXP), LNST đạt 41 tỷ đồng tăng 20,6% so với cùng kỳ. Với vị trí cảng nằm ở thượng nguồn sông Cấm, cảng Đoạn Xá từng có thời gian khó khăn để dần chuyển từ nhận hàng container sang hàng rời.

Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt lãi vượt kế hoạch 2019 - Ảnh 3.

Đáng chú ý mặc dù đa phần đều báo lãi sụt giảm so với cùng kỳ nhưng so với kế hoạch kinh doanh năm 2019 được thông qua tại ĐHĐCĐ 2019 thì các doanh nghiệp cảng biển đều đã hoàn thành vượt thậm chí như Cảng Đoạn Xá, Cảng Cam Ranh còn vượt xa mục tiêu kinh doanh cả năm 2019 theo đó có thể thấy sự thận trọng của những doanh nghiệp này trong năm 2019.

Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt lãi vượt kế hoạch 2019 - Ảnh 4.

Bước sang năm 2020, hiện nhóm doanh nghiệp này chưa đưa ra bất kỳ con số kế hoạch kinh doanh cụ thể nào nhưng với việc hiệp định thương mại tự do VN-EU (VN-EU FTA) dự kiến có hiệu lực từ nửa cuối năm 2020, nguồn vốn FDI dự kiến tiếp tục tạo ra nhu cầu cho các dịch vụ vận tải B2B/cảng biển đồng thời tăng trưởng thương mại điện tử sẽ giúp nhu cầu vận tải B2C và C2C nhiều hơn - Đó sẽ là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này trong tương lai.

Tú Anh

HNX&HSX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên