MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh nợ công bị lắp ghép từ nhiều mảnh

Đó là nhận định của đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội.

Thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) sáng nay (16/6), đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, bức tranh nợ công bị lắp ghép từ nhiều mảnh, không hoàn chỉnh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm

Ông Hoàng Quang Hàm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội lưu ý, để quản lý chặt chẽ nợ công cần giải quyết được gốc rễ 3 vấn đề: Xác định phạm vi nợ công phù hợp; Xác định tổ chức bộ máy đầu mối quản lý nợ công hợp lý, hiệu quả nhất; Nhận diện được rủi ro và xác định được công cụ, biện pháp quản lý, xử lý rủi ro đặc biệt là phải đảm bảo dự phòng cho các rủi ro tiềm ẩn.

Đại biểu này thống nhất với quy định trong dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) về việc không tính vào nợ công nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đơn vị sự nghiệp công lập...

Tuy vậy, ông Hàm lại chưa đồng tình với việc Luật không quy định nội dung giám sát các khoản vay nợ không tính vào nợ công vì khi có rủi ro, ngân sách Nhà nước vẫn có thể phải "gánh" các khoản nợ này.

"Khi các đơn vị sự nghiệp công lập không trả được nợ thì Nhà nước phải gánh nợ thay mà không có quy định các đơn vị này phá sản và thực tế không thể phá sản đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với DNNN khi không trả được nợ có thể phá sản, nhưng tín nhiệm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí đi vay, rủi ro cao", đại biểu Hàm phân tích.

Về đầu mối quản lý nợ công, theo ông Hàm, không thể phủ nhận được rằng một đầu mối sẽ tốt hơn 3 đầu mối. Điều này sẽ giúp giảm biên chế, tăng tính chuyên nghiệp cho cơ quan tổ chức, tăng niềm tin, giảm phiền hà cho người cho vay.

Khi thống nhất một đầu mối quản lý nợ công thì bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ nước ngoài sẽ hoàn chỉnh hơn, không phải ghép nhiều mảnh ghép như hiện nay. Điều này cũng phân tích nợ tốt hơn, giảm rủi ro về nợ, đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, giảm đầu mối trung gian, từ đó giảm chi phí vay, ông Hàm nêu quan điểm.

Băn khoăn về nợ của DNNN, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập nếu có nguy cơ phá sản thì Chính phủ có bỏ tiền ra không? Nếu Nhà nước bỏ ra trả thì đó có phải nợ trong nước hay nợ gì?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến

Theo ông Tiến, cần phải làm rõ, minh bạch thì mới đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng đề nghị đưa nợ DNNN vào nợ công vì thực tế doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn hay giữ cổ phần chi phối thì Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm khoản nợ của doanh nghiệp và thực tế Nhà nước cũng đã phải trả nợ thay.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại có ý kiến là không nên đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào nợ công. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), nếu như tính nợ tự vay, tự trả của DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập vào nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ lớn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tài chính quốc gia./.

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên